Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2017 - Năm của ngành rau quả
02 | 01 | 2018
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có những chia sẻ với NNVN về một năm thăng trầm, nhiều biến cố của ngành nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh những thành công, định hướng lớn của ngành hàng rau quả Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Thiên tai lịch sử, dịch bệnh nặng nề, tuy nhiên với những nỗ lực của toàn ngành, nông nghiệp nói chung, ngành trồng trọt nói riêng năm 2017 đã gặt hái những thành công ngoài mong đợi, nhất là XK nông sản. Trong đó, với kim ngạch XK ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng tới trên 40% so với năm 2016, rau quả tiếp tục khẳng định sẽ là thế lực lớn của nông sản Việt Nam trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh

Đối với ngành trồng trọt, ấn tượng nhất vẫn là nhóm mặt hàng rau quả XK, với kim ngạch ước tính xấp xỉ 3,5 tỉ USD, tăng tới trên 40% so với năm 2016. Đây là ngành hàng có sự tăng trưởng rất tuyệt vời, ấn tượng nhất của ngành nông nghiệp trong năm qua nói riêng cũng như những năm gần đây. XK rau quả đang tăng trưởng bền vững, và đang còn rất nhiều cơ hội và dư địa phát triển.  

Rau quả hướng tới chiến lược XK 10 tỉ USD

Yếu tố nào giúp XK rau quả liên tiếp trong những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ như vậy, thưa Thứ trưởng?

Sự thành công của mặt hàng rau quả trong những năm qua đã khẳng định được sự lựa chọn và hướng đi rất trúng của ngành nông nghiệp, nhất là đối với mặt hàng trái cây khi chúng ta đã khai thác được tiềm năng về chủng loại giống cây ăn quả hết sức đa dạng và phong phú, khai thác được lợi thế về khí hậu trải dài 15 vĩ độ cũng như thổ nhưỡng, qua đó xác lập được thế mạnh của từng loại cây ăn quả gắn với từng vùng cụ thể trên cả nước.

Đến nay, gần như quanh năm chúng ta đều có trái cây XK, mùa nào thức nấy, vùng nào sản phẩm nấy. Các vùng trái cây cũng đã và đang được xây dựng một cách bền vững, giúp ổn định XK năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là lợi thế mà ta đã làm rất tốt. Trình độ kỹ thuật trong canh tác cây ăn quả của nông dân được trang bị ở mức cao, đã hình thành được các mô hình SX tập trung quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... rất bài bản, cải thiện năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, các DN đã vào cuộc, cùng kết hợp với nông dân đầu tư, kết hợp với chế biến bảo quản và XK rất bài bản theo chuỗi giá trị.

Việc mở cửa và thúc đẩy thị trường cũng là yếu tố quan trọng góp phần nên sự thành công của ngành trái cây. Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kể cả trong các chuyến thăm và làm việc cấp cao đều đã đưa nội dung đàm phán, mở cửa thị trường cho nông sản nói chung, sản phẩm rau quả của Việt Nam nói riêng. Các bộ ngành, đặc biệt là các đơn vị của Bộ NN-PTNT cũng đã xúc tiến làm việc, đàm phán rất tích cực nhằm mở cửa thêm các thị trường XK mới. Nhờ đó đến nay, chúng ta XK được rau quả vào hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì mở rộng thị phần, trong khi đó các thị trường mới tiềm năng vẫn đang tiếp tục được mở ra.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng đánh giá tiềm năng XK rau quả của Việt Nam sẽ lên tới hàng chục tỉ USD chứ chưa dừng lại như bây giờ. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Năm 2012, XK rau quả của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 800 triệu. Tôi còn nhớ lúc ấy, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn rất tâm huyết với ngành hàng rau quả khi tâm sự với tôi rằng, ngành nông nghiệp cần phải có tầm nhìn để hướng cho được ngành rau quả tới tầm vóc của một nhóm ngành hàng XK có trị giá hàng chục tỉ USD. Nguyên Phó Thủ tướng đã chỉ ra rất chi tiết cho Bộ NN-PTNT hơn 10 loại trái cây có lợi thế của Việt Nam... Đến nay thì chỉ sau hơn 4 năm, thực tế đã chứng minh cái nhìn của ông Nguyễn Công Tạn là có cơ sở thế nào, khi mà kim ngạch XK đã tăng tới gần 4,5 lần.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm cơ sở XK rau quả tại Hải Dương

Nhu cầu thị trường trái cây quốc tế vẫn đang còn dư địa rất lớn. Nếu như thị trường thương mại lúa gạo thế giới hiện nay chỉ khoảng 30 tỉ USD, trong đó Việt Nam đã chiếm khoảng 10% thì thị trường thương mại riêng quả của thế giới hiện nay ước lên tới 240 tỉ USD, và Việt Nam hiện mới chỉ chiếm trên 1% nên tiềm năng phát triển còn vô cùng lớn. XK rau quả hiện đã vượt qua lúa gạo và với đà tăng trưởng cộng với những gì chúng ta đang có, khả năng để ngành rau quả chúng ta hướng tới kim ngạch XK 10 tỉ USD là điều hoàn toàn khả thi.  

Khuyến khích chuyển lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả

Vậy đâu là những hạn chế và những việc cần phải làm để ngành rau quả chúng ta hướng tới mục tiêu này?

Để đưa chiến lược này thành sự thật, cần phải làm cho được mấy vấn đề, và Bộ NN-PTNT cũng đang tiến hành triển khai các giải pháp cụ thể. Một là tiếp tục rà soát lại quy hoạch cho từng vùng cây ăn quả đối với khoảng 10 loại trái cây quan trọng nhất của Việt Nam, qua đó xác định lại tiềm năng về diện tích cụ thể cho từng loại cây là bao nhiêu, ở đâu?

Hai là về chính sách đất đai, hiện Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT đã có các nghị định và thông tư hướng dẫn rất cụ thể cho phép nới rộng và thuận tiện hơn trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, không chỉ sang cây nông nghiệp ngắn ngày mà cả cây nông nghiệp lâu năm.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã có khuyến cáo các địa phương trong quá trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, cần ưu tiên cho cây ăn quả. Bởi gần như vùng nào chúng ta cũng có thể phát triển được cây ăn quả. Những năm vừa qua, cũng đã có hàng chục nghìn hecta đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi, chủ yếu là sang cây ăn quả.

Ở ĐBSCL, những tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh... đã chuyển lúa kém hiệu quả sang những mô hình cây ăn quả với quy mô vài nghìn ha/vùng, với các loại cây ăn quả có múi, thanh long... Ở phía Bắc là vùng bán sơn địa, điển hình như Bắc Giang đã chuyển đổi lúa sang cây ăn quả rất căn cơ, hiệu quả, chuyển tới đâu chắc tới đó, áp dụng KH-KT và có DN hợp tác chế biến, bao tiêu.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn tiềm năng rất lớn

Về lâu dài, chúng tôi vẫn khuyến cáo phát triển mở rộng thêm diện tích cây ăn quả. Dĩ nhiên là quá trình chuyển đổi phải theo quy hoạch, kế hoạch, không được ồ ạt, phải cẩn trọng và chắc chắn, trước hết là chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả, trên cơ sở lựa chọn đối tượng cây ăn quả có lợi thế cho từng địa phương, từng vùng chứ không được tùy tiện.

Ví dụ Tây Nguyên là vùng hiện đang phát triển cây ăn quả khá mạnh, với các đối tượng như bơ, sầu riêng, chanh leo... Tuy nhiên đây cũng là vùng đã có nhiều loại cây trồng khác đứng chân như cà phê, hồ tiêu. Vì vậy bên cạnh việc rà lại quy hoạch, Bộ NN-PTNT xác định vùng này vẫn có tiềm năng để trồng xen cây ăn quả vào vườn cà phê. Vấn đề lớn nhất là phải có gói kỹ thuật trồng xen thế nào cho phù hợp nhất. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị khoa học nghiên cứu, hoàn thiện kỹ thuật trồng xen cây ăn quả cho vùng này để hướng dẫn cho nông dân làm sao vừa phát huy hiệu quả cây ăn quả, lại vừa không làm ảnh hưởng tới cà phê...

Một vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn tới, đó là làm sao để người dân nhận thức được vai trò quan trọng của chất lượng giống cây ăn quả. Xác định được đối tượng cây ăn quả phù hợp và có lợi thế ở từng nơi rồi, nhưng phải đảm bảo kiểm soát được cả chất lượng giống, đảm bảo đúng giống, đúng cây đầu dòng đã được bình tuyển. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi cây ăn quả là cây dài ngày, đầu tư lớn, nếu chất lượng giống không đảm bảo thì rủi ro sẽ vô cùng lớn. Bên cạnh đó, việc cải thiện kỹ thuật thâm canh cây ăn quả cho nông dân sẽ cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới, để vừa nâng cao được năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm, lại vừa đảm bảo được SX an toàn bền vững, hạn chế phân vô cơ và thuốc BVTV, bởi cây ăn quả phải chịu kiểm dịch thực vật và kiểm soát chặt chẽ về ATTP.

Một ví dụ cho vấn đề này, phải kể tới cây có múi, nhất là cây cam tại phía Bắc. Vấn đề cây có múi nói chung, trong đó có cam là yêu cầu về kỹ thuật rất nghiêm ngặt, nhất là về dịch bệnh. Trong khi đó, trình độ thâm canh cam hiện nay vẫn chưa thật tốt và đồng đều. Có hộ làm rất tốt, bón phân hữu cơ, ngâm cả đậu tương, khô dầu cá để bón, chất lượng rất cao, thu nhập hàng tỉ đồng/ha. Nhưng cũng có vùng vẫn còn trồng chay, theo kiểu cây lâm nghiệp được chăng hay chớ, chất lượng rất thấp và dịch bệnh hết sức phức tạp, nhất là bệnh Greening.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Một vấn đề nữa của phát triển ngành rau quả trong giai đoạn tới, đó là phải đảm bảo hài hòa giữa tốc độ phát triển về quy mô sản lượng và vấn đề chế biến bảo quản. Đây là vấn đề còn rất bất cập. Có đẩy mạnh được chế biến, chúng ta mới đa dạng hóa được sản phẩm XK, đồng thời giải quyết được sức ép mùa vụ thu hoạch. Đẩy mạnh sản phẩm chế biến còn là điều kiện thuận lợi để mở rộng XK, bởi sản phẩm chế biến sẽ không phải chịu hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật của các nước.

Về thị trường, cái hay của chúng ta trong những năm qua là đã biết khai thác những cái chúng ta có lợi thế. Nhất là với thị trường khổng lồ Trung Quốc. Trung Quốc cơ bản là ôn đới, thị trường trái cây nhiệt đới ở đây còn rất mênh mông. Những năm qua, kim ngạch XK trái cây của Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải mở cửa thêm những thị trường khác. Chủ trương trong việc mở cửa thị trường XK rau quả, phải là thị trường tiềm năng, nhu cầu lớn, có sở thích đối với những sản phẩm mà chúng ta có lợi thế, gần về khoảng cách địa lý để giảm chi phí vận tải, nhất là trong bối cảnh chế biến bảo quản chúng ta còn hạn chế. Bên cạnh đó, phải đồng thời duy trì cho được những thị trường truyền thống.

(Thứ trưởng Lê Quốc Doanh)

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường