Một thời đi trước
Nghệ An có hơn 13 nghìn hécta đất đỏ badan, loại đất quý hiếm này chủ yếu chỉ dành trồng loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao đó là cây caosu hoặc càphê. Trước đây, khi sang đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã nhận thấy tiềm năng to lớn của vùng Phủ Quỳ, nên đã lập vùng đồn điền rộng lớn với hàng chục nghìn hécta càphê, caosu và một số loại cây công nghiệp khác. Tuyến quốc lộ 48 ngày nay cũng được xây dựng vào thời kỳ đó để phục vụ khai thác tài nguyên, khoáng sản tại Phủ Quỳ và vùng tây bắc Nghệ An.
Theo số liệu thống kê của ngành NNPTNT Nghệ An, diện tích cây caosu trên địa bàn hiện có khoảng hơn 4.000ha. Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, năm 1985 diện tích caosu là 1.643ha, năng suất mủ tươi đạt bình quân 20 tạ/ha, sản lượng 3.286 tấn. Năm 2000, diện tích cây caosu cũng chỉ có 3.490ha.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế kỹ thuật của ngành NNPTNT, thì ở Nghệ An, trên vùng đất Phủ Quỳ, giá trị cây caosu vẫn cho hiệu quả cao nhất. Caosu cũng là loại cây trồng rất ít sâu bệnh phá hoại, nó thuộc nhóm cây rừng tự nhiên nên khả năng tự phòng, chống sâu bệnh rất tốt.
Tại Nghệ An, qua khảo sát tại Cty nông nghiệp Sông Con, huyện Tân Kỳ, khi chuyển diện tích cam, càphê nơi đất xấu sang trồng 626ha caosu, đến năm 2006, Cty đã khai thác được 412 tấn mủ khô bán ra thị trường trong nước và bán ra nước ngoài, thu về 12 tỉ đồng. Tính bình quân 1ha caosu ở đây thu nhập 30 triệu đồng, cao nhất so với tất cả các loại cây trồng khác.
Là cây công nghiệp dài ngày, đồng thời cũng là cây lâm nghiệp, cây caosu bảo vệ và chống xói mòn đất. Mặt khác, nó là cây dễ trồng, đầu tư chủ yếu một lần thu hoạch kéo dài trên 30 năm. Đất để trồng caosu yêu cầu chủ yếu phải là đất có tầng canh tác dày từ 50 - 60 phân trở lên và càng dày càng tốt để kéo dài thời gian khai thác mủ nhiều hơn. Đây chính là lợi thế để caosu trồng tốt nhất trên vùng đất đỏ badan Phủ Quỳ và các vùng phụ cận như Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong...
Tại Nghệ An phải tự hào rằng, caosu có sớm hơn các tỉnh Gia Lai (năm 1913 cây caosu và càphê đầu tiên được người Pháp trồng ở vùng Phủ Quỳ, thì mãi tới 7 năm sau những giống cây này mới xuất hiện ở Gia Lai và một số địa bàn Tây Nguyên).
Vậy nhưng trong những năm gần đây, diện tích cây caosu ở Nghệ An lại tăng chậm, một phần do số diện tích caosu quá già cỗi hết nhiệm kỳ khai thác mủ được tỉnh cho phép huỷ, nhưng sau khi thanh lý xong, diện tích được trồng lại không đáng kể mà phần lớn trên diện tích này được đưa vào trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy đường NA&L, mới đây một số trở thành trang trại chăn nuôi bò sữa.
Mặt khác, từ nhà lãnh đạo đến người sản xuất chưa thật sự nhận thức, đánh giá đầy đủ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị kinh tế xã hội của cây caosu trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, việc quy hoạch và lập dự án đầu tư để phát triển cây caosu có làm, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.
Về sau, chậm nhưng chắc
Gần đây, từ thực tế giá trị kinh tế cây caosu ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn..., Nghệ An đã đánh giá lại giá trị đích thực của cây caosu và tiềm năng phát triển cây caosu là phù hợp với chỉ đạo phát triển cây caosu của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Nghệ An đã kịp thời cùng các sở, ban, ngành liên quan đi đến thống nhất chủ trương để Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam đầu tư phát triển Caosu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Cty cổ phần đầu tư phát triển caosu Nghệ An thuộc Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam sau 2 năm khảo sát tại Nghệ An đã được UBND tỉnh cho phép lập thủ tục, hồ sơ thuê gần 10.000ha đất lâm nghiệp tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương... để triển khai dự án trồng cây caosu tại Nghệ An.
Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư còn gặp một số vướng mắc trong việc chuyển giao nguyên trạng đất đai và lao động từ Tổng đội TNXP 6-XDKT ở Yên Thành. Để tháo gỡ vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển caosu tại Nghệ An.
Để triển khai nhanh dự án, Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam cam kết sẽ xem xét việc đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân giao đất ở mức phù hợp nhất và sẽ tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động trong vùng dự án, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, việc làm cho người dân trên quê hương Bác. Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết sẽ cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án cây caosu triển khai tốt.
Được biết các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu... cùng với các đơn vị, hộ cá nhân đã sẵn sàng bàn giao số diện tích đất nằm trong dự án giao cho nhà đầu tư. Trước mắt, Cty cổ phần đầu tư phát triển caosu Nghệ An sẽ triển khai trồng tại phần đất của đội 1 và đội 4 thuộc Cty lâm nghiệp Yên Thành và huyện Anh Sơn và hoàn thiện thủ tục tiếp nhận toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp và lao động tại Tổng đội TNXP 6- XDKT và Tổng đội TNXP- XDKT Quỳnh Lưu.
Phấn đấu trong vụ thu đông tới toàn tỉnh trồng được hơn 3 nghìn hécta caosu. Kế hoạch tiếp theo, sau khi định hình xong diện tích trồng caosu ở mỗi nông trường từ 5.000 đến 7.000ha, sẽ xây dựng nhà máy chế biến tạo việc làm ổn định thường xuyên cho khoảng 2.600 lao động, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động và phối hợp với địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng...
Với cây caosu, Nghệ An vẫn là tỉnh “đi trước về sau”, nhưng bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận của nhân dân các địa phương, chắc chắn phong trào trồng caosu trên đất Nghệ An sẽ là cuộc cách mạng lớn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần sớm đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo.