Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cao su mậu biên chưa sôi động trở lại
21 | 05 | 2010
Sáng ngày 18.5, ông Đào Trần Nhân, trưởng nhóm công tác hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc (bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu mủ cao su thiên nhiên mậu biên vẫn bị ngưng trệ do doanh nghiệp Trung Quốc chưa nối lại hoạt động mua bán.

Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, mặc dù các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã cho phép doanh nghiệp mua cao su thiên nhiên của Việt Nam trở lại. Tuy nhiên, giao dịch chưa nhiều do một số đã chuyển sang giao dịch ở thị trường khác, một số biết tin chậm.

Một nguồn tin từ tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho hay, kể từ cuối tháng 4.2010, Trung Quốc đã tung 200.000 tấn hàng dự trữ ra bán hòng ép giá mủ cao su mậu biên xuống thấp. Doanh nghiệp Trung Quốc, thay vì vẫn mua mủ cao su thiên nhiên của Việt Nam theo con đường tiểu ngạch, thì họ sử dụng hàng dự trữ trong nước.

Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu 1,226 tỉ đôla cao su thì Trung Quốc chiếm 789 triệu đôla – tức 64%. Theo hiệp hội Cao su Việt Nam, số doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc lên tới 165/208 doanh nghiệp. Phương thức bán hàng tiểu ngạch được nhiều doanh nghiệp cho là có nhiều tiện lợi về thủ tục pháp lý, cách thanh toán, giao nhận, nên chiếm tới 59% tổng lượng mủ xuất sang Trung Quốc. “Vì xuất chính ngạch doanh nghiệp hai bên phải chịu thuế, còn tiểu ngạch chỉ mất phí, cước vận chuyển cũng ít hơn”, ông Nhân nói.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, kể từ đầu năm 2009 đến nay, xuất mậu biên sang Trung Quốc bắt đầu gặp khó khăn do nhà nhập khẩu áp dụng chính sách kiểm soát thị trường.

Việc chuyển sang xuất chính ngạch và đa dạng hoá thị trường là điều doanh nghiệp tất yếu phải làm. Ông Trịnh Văn Vĩnh, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần cao su Tây Ninh (TRC) cho rằng, để tránh rủi ro, doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm thêm thị trường chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Ông Đinh Vạn Tiến, trưởng ban xuất nhập khẩu VRG cho biết, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm đối tác, đến nay 70% sản lượng mủ của tập đoàn có hợp đồng xuất khẩu dài hạn sang thị trường EU, Nga, Nhật, Mỹ, Hàn, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, chứ không phải lệ thuộc phần lớn vào Trung Quốc như trước đây.

Tuy nhiên, chuyển hướng thị trường chỉ thuận lợi với những doanh nghiệp có tiềm lực, còn hầu hết đơn vị nhỏ, yếu thế (chiếm số đông trong các doanh nghiệp xuất khẩu cao su) vẫn khó khăn. Chất lượng mủ bán mậu biên chưa tương xứng với thị trường khác. Khách hàng Trung Quốc tự đánh giá chất lượng mủ, rồi tự trả giá, phần thiệt doanh nghiệp Việt Nam phải gánh.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường