Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công nghiệp cao su “giãy giụa” giữa vùng nguyên liệu
10 | 05 | 2010
Là nước xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng tốp năm thế giới, nhưng ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su thiên nhiên vẫn bị động về nguồn nguyên liệu!

Theo tính toán, ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su thiên nhiên sử dụng khoảng 100.000 tấn mủ/tổng sản lượng 750.000 tấn mủ mỗi năm. Trong đó ba doanh nghiệp lớn gồm Casumina, Đà Nẵng và Sao Vàng chiếm khoảng 45.000 tấn.

Tại anh, tại ả?

Mủ cao su chiếm khoảng 35% chi phí sản xuất lốp ôtô. Từ năm 2003, giữa tổng công ty Cao su (Geruco) nay là tập đoàn Công nghiệp cao su (VRG) và tổng công ty Hoá chất (Vinachem) đã ký văn bản thoả thuận tiêu thụ sản phẩm của nhau. Theo đó, từ năm 2004 – 2010, Geruco cung cấp cho thành viên Vinachem từ 40.000 – 100.000 tấn mủ, đổi lại Geruco mua phân bón, hoá chất, săm lốp ôtô… của Vinachem.

Geruco chỉ định công ty cao su Kon Tum, Mang Yang bán mủ cho công ty cao su Sao Vàng; Chư Sê, Chư Prông, Quảng Trị cung cấp mủ cho cao su Đà Nẵng; và Phước Hoà, Dầu Tiếng cung cấp mủ cho Casumina. “Hai bên cùng cam kết sẽ bảo đảm cung ứng các sản phẩm của mình đúng khối lượng, chất lượng, thời điểm với giá cạnh tranh, ưu tiên và cùng có lợi”, nội dung văn bản nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện từ năm 2004 đến nay, vì nhiều lý do mà các thành viên của Vinachem, không thể mua được mủ ổn định. Ông Đinh Ngọc Đạm, tổng giám đốc công ty cao su Đà Nẵng cho biết, năm nay Đà Nẵng cần 13.000 tấn mủ, nhưng chúng tôi mới đàm phán mua được 4.000 tấn của VRG, còn lại phải thu gom bên ngoài, chất lượng không ổn định. Trường hợp đã ký hợp đồng nguyên tắc thì khi thị trường Trung Quốc hút hàng, các đơn vị cung cấp vẫn ưu tiên xuất khẩu hơn là bán cho doanh nghiệp trong nước.

Một số doanh nghiệp khác thì cho rằng, cung cách bán mủ của thành viên VRG vẫn giống như kiểu hàng chợ vì không chốt giá trước mà thay đổi theo thị trường.

Đưa ra kinh nghiệm từ việc mua nguyên liệu từ các nhà cung ứng quốc tế, ông Lê Văn Trí, phó tổng giám đốc Casumina cho biết, thông thường giữa bên mua, bên bán chốt giá với nhau trong vòng ba tháng, nếu biến động trong biên độ +/-5% sẽ không điều chỉnh.

Trong lúc đó, ông Đinh Vạn Tiến, trưởng ban xuất nhập khẩu VRG lại khẳng định, VRG vẫn hướng dẫn các công ty thành viên ưu tiên bán mủ cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su trong nước. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp có kế hoạch mua dài hạn nên VRG không thể chủ động dự trữ cung cấp cho họ.

Ông Tiến nói, VRG sẵn sàng chốt giá theo yêu cầu khách hàng, thậm chí cả năm cũng được. “Cho đến hôm nay tôi chưa nhận được bất cứ đề nghị nào của nhà tiêu thụ muốn mua, chốt giá dài dạn cả”, ông Tiến khẳng định.

Ông Đinh Ngọc Đạm, tổng giám đốc công ty cao su Đà Nẵng thừa nhận, do vốn ít nên không thể ký hợp đồng sáu tháng hoặc một năm theo yêu cầu nhà cung ứng.

Giảm rủi ro bằng góp vốn cổ phần

Đại diện Casumina cho biết họ đã chủ động mua 10% cổ phần của công ty cao su Phước Hoà để trở thành cổ đông chiến lược.

Trong một dự án xây dựng nhà máy công suất 3 triệu lốp bố thép/năm, vốn đầu tư khoảng trên 3.000 tỉ đồng, Casumina cũng đã đạt được sự đồng ý góp vốn của VRG. Theo phân tích, việc các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng mủ cao su mua cổ phần lẫn nhau sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi giá cao su biến động. Bởi lợi nhuận sẽ “lọt sàng xuống nia” mỗi khi giá cao su tăng, giảm.

Cách làm này cũng đang được lãnh đạo công ty cao su Đà Nẵng, Sao Vàng nhắm đến, họ sẽ kêu gọi các nhà máy chế biến mủ góp cổ phần hoặc chủ động góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của nhau.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường