Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển cây cao-su ở Nghệ An
10 | 06 | 2010
Nghệ An có hơn 13 nghìn ha đất đỏ badan, loại đất quý hiếm này chủ yếu chỉ dành trồng loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao đó là cây cao-su hoặc cà-phê.

Là cây công nghiệp dài ngày, đồng thời cũng là cây lâm nghiệp, cây cao-su bảo vệ và chống xói mòn đất. Mặt khác, cao-su dễ trồng, đầu tư chủ yếu một lần thu hoạch kéo dài trên 30 năm. Ðất để trồng cao-su yêu cầu chủ yếu phải là đất có tầng canh tác dày từ 50 đến 60 phân trở lên và càng dày càng tốt để kéo dài thời gian khai thác mủ nhiều hơn. Ðây chính là lợi thế để cao-su trồng tốt nhất trên vùng đất đỏ badan Phủ Quỳ và các vùng phụ cận như Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong...

Nhưng những năm gần đây diện tích cây cao-su ở Nghệ An lại tăng chậm, một phần do số diện tích cao-su quá già cỗi hết nhiệm kỳ khai thác mủ được tỉnh cho phép hủy, nhưng sau khi thanh lý xong diện tích được trồng lại không đáng kể mà phần lớn trên diện tích này được đưa vào trồng mía nguyên liệu cho nhà máy đường NA&L. Một số trở thành  trang trại chăn nuôi bò sữa. Mặt khác từ nhà lãnh đạo đến người sản xuất chưa thật sự nhận thức, đánh giá đầy đủ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị kinh tế - xã hội của cây cao-su trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó việc quy hoạch và lập dự án đầu tư để phát triển cây cao-su có làm nhưng việc tổ chức thực hiện chưa quan tâm đúng mức.

Gần đây,  Nghệ An đã đánh giá lại giá trị đích thực của cây cao-su và tiềm năng phát triển phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, đã cùng các sở, ban, ngành liên quan thống nhất chủ trương để Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đầu tư phát triển cao-su trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Sau hai năm khảo sát tại Nghệ An, Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển cao-su Nghệ An thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam được UBND tỉnh cho phép lập thủ tục, hồ sơ thuê gần 10.000 ha đất lâm nghiệp tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương... để triển khai dự án trồng cây cao-su tại Nghệ An. Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư còn gặp một số vướng mắc trong việc chuyển giao nguyên trạng đất đai và lao động từ Tổng đội TNXP 6-XDKT ở Yên Thành. Ðể tháo gỡ vướng mắc, tỉnh Nghệ An đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển cao-su tại Nghệ An. Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam cam kết sẽ xem xét việc đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân giao đất ở mức phù hợp nhất và sẽ tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong vùng dự án, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, việc làm cho người dân. Tỉnh  cũng cam kết sẽ cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án cây cao-su triển khai tốt.

Ðược biết, đến nay các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu... cùng với các đơn vị, hộ cá nhân đã sẵn sàng bàn giao số diện tích đất nằm trong dự án giao cho nhà đầu tư.  Trước mắt, Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển cao-su Nghệ An sẽ triển khai trồng tại phần đất của đội 1 và đội 4 thuộc Công ty lâm nghiệp Yên Thành và huyện Anh Sơn và hoàn thiện thủ tục tiếp nhận toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp và lao động tại Tổng đội TNXP 6- XDKT và Tổng đội TNXP- XDKT Quỳnh Lưu. Phấn đấu trong vụ thu đông tới toàn tỉnh trồng hơn 3 nghìn ha cao-su. Kế hoạch tiếp theo, sau khi định hình xong diện tích trồng cao-su ở mỗi nông trường từ 5.000 đến 7.000 ha, sẽ xây dựng nhà máy chế biến tạo việc làm ổn định thường xuyên cho khoảng 2.600 lao động, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động và phối hợp với địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng... 

 Với cây cao-su, Nghệ An vẫn là tỉnh "đi trước về sau", nhưng bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với sự đồng thuận của nhân dân các địa phương,  phong trào trồng cao-su trên đất Nghệ An sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần sớm đưa Nghệ An thoát nghèo.                     



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường