Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sơn La: "Giấc mơ" làm giàu từ cây cao su trên vùng cao
14 | 12 | 2007
- Nằm bên dãy núi Pú Đán Ngân (núi đá bạc), khu Phiêng Tìn, xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) có diện tích tự nhiên 520 ha. Nơi đây, bao đời đồng bào chỉ quen với cây sắn, cây ngô và lúa nương, đất đai bạc màu^, vất vả quanh năm mà cuộc sống vẫn còn gian khó. Từ khi có chủ trương của tỉnh đưa cây cao su về bản, đồng bào nơi đây bắt đầu làm quen với cây trồng mới theo hướng sản xuất công nghiệp.

* Từ những cây cao su đầu tiên

Chúng tôi cùng đoàn cán bộ của tỉnh Sơn La đến Phiêng Tìn vào một ngày se lạnh, sương mù giăng trắng trên đỉnh Pú Đán Ngân. Mặc dù thời tiết rét mướt và con đường hơn 3 km từ tỉnh lộ 106 vào Phiêng Tìn gập ghềnh sỏi đá, nhưng đến nơi đã thấy lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần cao su Sơn La đang đi kiểm tra cây cao su mới trồng. Trên đồi, những công nhân - cũng chính là người dân của Phiêng Tìn vừa được tuyển dụng vào Công ty trong trang phục bảo hộ đang miệt mài làm việc dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Công nhân mới tuyển là người địa phương được tập huấn sơ bộ và trong quá trình sản xuất có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Những cây cao su được trồng trên diện tích 70 ha tại Phiêng Tìn hơn 3 tháng nay đã cao 40cm đến 50cm, do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển xanh tốt. Bản Phiêng Tìn có 66 hộ, trên 300 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Thái, trong đó có 128 lao động thì có trên 20 người được nhận vào làm công nhân của Công ty cổ phần cao su Sơn La.

Trước đây, người dân Phiêng Tìn không ai nghĩ rằng đồi đất Phiêng Tìn bạc màu lẫn nhiều sỏi đá lại có thể trồng được một loại cây có giá trị kinh tế cao. Anh Quàng Văn Nạo, Trưởng bản cho biết: "Trước đây trồng ngô, trồng sắn mỗi năm bà con chỉ thu được 3 triệu đến 4 triệu đồng. Nhờ có chủ trương mới, việc đưa cây cao su vào trồng, theo tính toán của các nhà kinh tế có thu nhập cao và ổn định nên bà con rất phấn khởi". Các gia đình của bản góp cổ phần bằng đất đều được nhận vào làm công nhân của Công ty. Gia đình anh Lò Văn Thưởng góp cổ phần gần 1 ha đất và được vào làm công nhân của Công ty từ đầu tháng 10, anh vừa lĩnh tháng lương đầu tiên 1,7 triệu đồng, ngoài ra anh và các công nhân khác đều được phát quần áo bảo hộ, xà phòng giặt. Còn anh Lò Văn Thương, cả hai vợ chồng đều được nhận vào làm công nhân hơn một tháng cho biết: "Làm công nhân trồng cao su cũng như trồng các loại cây trên nương khác, nhưng thu nhập thì cao hơn rất nhiều và còn được Công ty tạo điều kiện về mọi mặt. Ngoài việc được hưởng lương hàng tháng và các chế độ theo Bộ Luật lao động, những người góp cổ phần bằng đất cho Công ty sẽ được tính lợi tức theo quy định".

* Trở thành cây xoá đói, giảm nghèo

Để đưa cây cao su vào trồng trên địa bàn tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cùng với tỉnh Sơn La đã nghiên cứu thị trường, điều kiện đất đai, khí hậu một số vùng trong tỉnh. Qua trồng thử nghiệm 70 ha tại Phiêng Tìn, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, tốc độ sinh trưởng tốt, chưa có biểu hiện của dịch bệnh, bước đầu có thể khẳng định cây cao su sẽ phát triển tốt trên đất Sơn La.

Ông Võ Nhật Duy, Giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La đã 23 năm gắn bó với cây cao su từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên và nhiều vùng khác, cho biết: Mường La là vùng khó trồng cây cao su nhất trong tỉnh do độ ẩm thấp và ít mưa. Trên diện tích đã trồng cây cao su tại Phiêng Tìn, hàng ngày từ 3 giờ chiều đến 10 giờ đêm công nhân phải phun phân bón qua lá và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty phải thường xuyên kiểm tra sự sinh trưởng của cây. Trên thực tế, cây cao su có giá trị kinh tế rất lớn và bền vững, ngoài sản phẩm chính là mủ cao su cho thu hoạch chính thì thân, hạt, cành, lá cây cao su đều được tận dụng… Cây cao su khi trồng tập trung có khả năng giữ nguồn nước, có độ che phủ lớn, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, làm tốt đất và trong sạch không khí, cải thiện môi trường và có thể xây dựng những khu du lịch sinh thái...

Ông Duy cho rằng: Cây cao su được trồng thành công ở xã Ít Ong sẽ cơ bản giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động, đưa người dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp trở thành công nhân của Công ty và từng bước xây dựng mô hình "bản công nhân", "làng công nhân". Tới đây, Công ty sẽ thành lập các tổ chức đoàn thể và đội văn nghệ để tạo điều kiện cho công nhân có nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm và vui chơi giải trí; tổ chức cho đội ngũ cán bộ học tiếng đồng bào dân tộc Thái để tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su. Thành công của việc trồng cây cao su trên đất Phiêng Tìn là điều kiện cần thiết để tỉnh Sơn La phát triển và mở rộng diện tích cao su.

* Mở rộng quy mô dự án

Trước thành công trên, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát, bố trí giao từ 300 ha ở mỗi huyện cho Công ty cổ phần cao su Sơn La thuê để đầu tư mô hình trồng cây cao su. Diện tích này gồm đất lâm nghiệp trồng rừng nhưng không thành rừng; đất nông nghiệp trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả và đất cây công nghiệp, cây ăn quả giá trị thu nhập thấp để triển khai kế hoạch phát triển cao su giai đoạn 2007 - 2011.

Quỹ đất quy hoạch trồng cây cao su là các loại đất đã giao cho cá nhân, gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, các tổ chức và đất giao cho các nông - lâm trường. Các cá nhân, gia đình được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đất trồng cây công nghiệp trong vùng quy hoạch trồng cây cao su được góp giá trị quyền sử dụng đất cùng Công ty cổ phần cao su với giá trị 10 triệu đồng/ha. Những người tham gia góp đất đóng cổ phần được trở thành cổ đông của Công ty, được hưởng các quyền lợi vật chất khác theo quy định. Người đóng góp đất còn được trồng xen canh các cây nông nghiệp ngắn ngày (ngô, đậu tương, dứa, trồng cỏ...) tối đa 5 năm đầu trên diện tích tham gia đóng góp cổ phần và được hưởng 100% sản phẩm cây trồng xen canh mà không phải đóng tiền thuế và tiền thuê đất.

Năm tới, dự kiến tỉnh Sơn La sẽ mở rộng diện tích trồng mới lên đến 4.500 ha cây cao su ở huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mai Sơn. Để đạt được kết quả này, Công ty cổ phần cao su Sơn La đang đàm phán với hộ nông dân có đất tham gia đóng góp cổ phần với hình thức họ sẽ bán đất cho công ty với giá là 10 triệu đồng/ha. Trước mắt, Sơn La đang chuẩn bị điều kiện hạ tầng ở khu vực có diện tích lớn phục vụ cho phát triển cây cao su./



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường