Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sơn La phát triển cao-su đại điền
13 | 05 | 2009
Qua khảo sát thực tế, tỉnh miền núi Sơn La đã bước đầu thành công việc đưa cây cao-su vào trồng và phát triển vườn cao-su đại điền ở nhiều vùng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn liền với chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Vậy, Sơn La đã làm gì để phát triển loại cây trồng mới này?

Hợp tác "ba-ba" tạo nguồn lực đầu tư

Phó Trưởng ban Thường trực phát triển cây cao-su tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Luận cho chúng tôi biết, Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam (TÐCNCSVN) đã tạo điều kiện và giúp các tỉnh miền núi Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, tiến hành nhiều đợt tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trồng và thâm canh cao-su đại điền, quy trình công nghệ chế biến mủ cao-su... tại các vuông cao-su miền Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ; mô hình trồng cao-su theo quy mô đại điền tại hai nước Trung Quốc, Lào. Ði liền với việc "tầm sư học đạo", để có cơ sở định hướng quy hoạch trồng cây cao-su trên từng vùng, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp TÐCNCSVN tiến hành điều tra cơ bản về địa hình, phân tích rõ các đặc điểm nông hóa, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn của từng vùng đất trên nhiều địa bàn trong tỉnh. Ðặc biệt, năm 2007, Công ty cổ phần cao-su Sơn La là đơn vị thành viên của TÐCNCSVN đã trồng thử nghiệm thành công 70 ha cao-su giống mới tại bản Phiềng Tìn, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Tốc độ phát triển và chất lượng vườn cao-su này đạt yêu cầu so với vùng cao-su truyền thống trong nước.

Từ những kết quả đó, Sơn La đã phối hợp TÐCNCSVN thống nhất chủ trương và xây dựng chương trình, các chính sách, biện pháp trồng cây cao-su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2011 và tầm nhìn đến năm 2020. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở xác định rõ, trồng cây cao-su là việc làm mới, được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sơn La đã lựa chọn giải pháp liên kết hợp tác giữa tỉnh với TÐCNCSVN theo công thức "ba-ba", tức là mỗi bên sẽ thực hiện ba nhiệm vụ chính để tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Ðây được xem là biện pháp chủ đạo, xuyên suốt quá trình phát triển cây cao-su.

Với Sơn La, ba nhiệm vụ chính là: Thứ nhất, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, huyện, xã phối hợp chặt chẽ TÐCNCSVN rà soát quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn; tìm quỹ đất đưa vào quy hoạch trồng cây cao-su theo quy mô đại điền của từng năm, từng giai đoạn. Quy hoạch trồng cây cao-su giai đoạn 2007-2011 dự kiến trồng 20 nghìn ha cao-su. Trong đó, đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình chiếm 78%, đất công (hay còn gọi của cộng đồng) chiếm 16%, đất của các tổ chức chiếm 3%, của các ban quản lý dự án khoảng 3%. Trước mắt ưu tiên quy hoạch tập trung ở các vùng trên địa bàn các huyện dọc quốc lộ 6 có các điều kiện như độ cao dưới 700 m, độ dốc dưới 30o và tầng canh tác khoảng từ 70 cm trở lên; tiến hành giải phóng mặt bằng bàn giao đất cho TÐCNCSVN trồng cao-su. Thứ hai, tạo nguồn lực tại chỗ, phối hợp TÐCNCSVN đào tạo nghề cho lao động trồng cao-su. Cuối cùng, là xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hóa chương trình trồng cây cao-su, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển. Ðể thực hiện nhiệm vụ của mình, tỉnh Sơn La đã thành lập và kiện toàn hệ thống Ban chỉ đạo trồng cây cao-su các cấp từ tỉnh đến cơ sở, làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ được phân công; đề xuất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình triển khai chương trình.

Ðối với TÐCNCSVN, nhiệm vụ thứ nhất là, đầu tư 100% vốn cho việc thâm canh cao-su và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao-su. Thứ hai là, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác vườn cây; khoa học - công nghệ chế biến công nghiệp mủ cao-su và tìm thị trường bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra. Thứ ba, hoàn thiện bộ máy tổ chức tiêu thụ cao-su. TÐCNCSVN đã thành lập Công ty cổ phần cao-su Sơn La với số vốn điều lệ liên tục được bổ sung, từ 200 tỷ đồng năm 2007 tăng lên 500 tỷ đồng vào cuối quý I năm 2009. Ðó là chưa tính nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (GTQSDÐ), mỗi ha là 10 triệu đồng. Hằng năm, Công ty cổ phần cao-su Sơn La tuyển dụng lao động địa phương làm công nhân sản xuất cao-su. Hiện nay, lực lượng công nhân của đơn vị này đã lên tới 885 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Từ nông dân chuyển sang làm công nhân đã góp phần giúp đồng bào thay đổi căn bản về tập quán, lối sống, có việc làm và mức thu nhập ổn định khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Nông dân tự nguyện góp đất trồng cao-su

Ðến các bản Phiềng Tìn, Nà Trang thuộc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, chúng tôi được biết, hai năm 2007-2008, hai bản này có 206 hộ nông dân (chủ yếu là dân tộc Thái) góp vốn bằng GTQSDÐ trên diện tích 194 ha - gọi tắt là góp đất với Công ty cổ phần cao-su Sơn La để trồng cao-su. Tháng 4-2009, tại huyện Quỳnh Nhai có 36 hộ đồng bào dân tộc Thái, Mông thuộc diện di dân Thủy điện Sơn La đến tái định cư tại xã Mai Quỳnh, huyện Mai Sơn, được tỉnh giao 33 ha đất nương rẫy để sản xuất, họ cũng đã góp với công ty cao-su. Theo Ban chỉ đạo trồng cây cao-su tỉnh Sơn La, đến nay, toàn tỉnh đã có 6.191 hộ góp cổ phần với công ty bằng GTQSDÐ. Nhờ đó, Sơn La đã trồng mới gần 2.196 ha (năm 2007 là 70 ha, năm 2008 là 2.126 ha). Dự kiến năm nay, Sơn La trồng mới 3.000 ha, nâng tổng diện tích vườn cao-su kiến thiết cơ bản lên 5.196 ha. Nhờ góp cổ phần vào công ty bằng GTQSDÐ, người nông dân trở thành cổ đông của công ty, được hưởng quyền lợi (chia lợi tức theo số vốn góp) theo quy định, sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vẫn đứng tên họ. Trên thực địa, ruộng đất sử dụng vào trồng cao-su tập trung có quy mô diện tích lớn. Ðây là cách làm mới của tỉnh Sơn La và của TÐCNCSVN rất đáng khích lệ, được cộng đồng dân cư trong tỉnh hoan nghênh, tích cực tham gia.

Ði đôi với những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình trồng cây cao-su tại Sơn La bộc lộ một số hạn chế. Ðó là: Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách trồng cây cao-su chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, dẫn đến nhận thức của một bộ phận trong cộng đồng dân cư chưa đồng thuận với chủ trương trồng cao-su. Diện tích đất quy hoạch trồng cao-su đan xen nhiều loại đất của nhiều chương trình, dự án đã phê duyệt nên việc xác định hiện trạng sử dụng đất mất nhiều thời gian. Ðáng chú ý là, việc xử lý đất rừng trồng không thành rừng, rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh không thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi hiệu quả kém chuyển sang trồng cây cao-su và việc thanh toán, chi trả, hỗ trợ cho các hộ có đất trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả nhưng hiệu quả thấp chuyển sang trồng cao-su... còn chậm trễ. Một số nơi, sự phối hợp của các ban, ngành liên quan, các cấp chính quyền để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch trồng cây cao-su chưa kịp thời, gây ảnh hưởng xấu và làm hạn chế kết quả thực hiện chương trình trồng cây cao-su của Sơn La.



Nguồn: Báo Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường