Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thông tin về phát triển cao su Việt Nam tại một số khu vực
08 | 06 | 2007
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phát triển cao su ở Tây Bắc Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tiến hành khảo sát và làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu về chủ trương phát triển cao su tại vùng Tây Bắc.

Tình hình phát triển cao su tại Lào

Diện tích cao su tại Lào đã có từ năm 1910 nhưng số lượng ít, khoảng 1.000 – 2.000 ha. Từ năm 2005, diện tích cao su của Lào tăng nhanh với các dự án phát triển cao su của Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với chính phủ Lào để phát triển 166.600 ha cao su ở 4 tỉnh Bắc Lào trong giai đoạn 2006 - 2015 với mục tiêu 215.000 tấn cao su hàng năm. Phương thức được chọn là các công ty Trung Quốc cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, dụng cụ và hướng dẫn kỹ thuật, dân tự chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, khai thác mủ. Nếu có trồng xen, công ty sẽ cho vay vốn không lấy lãi.
Tỉnh Luông Nậm Thà (Bắc Lào) bắt đầu trồng cao su dạng tiểu điền từ năm 1994. Đến 2006, đã có khoảng 12.000 ha, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc trồng được 1.446 ha. Đã có 350 ha được khai thác và năng suất trên 1 tấn/ha. Tỉnh dự kiến sẽ phát triển thêm 14.000 ha đến năm 2010.
Tỉnh Udomxay (Bắc Lào) đã cấp giấy phép để trồng 34.000 ha và đến 2006, đã trồng được khoảng 8.000 ha do 2 công ty Lào và 6 công ty Trung Quốc.
Đến nay, chưa có công ty Việt Nam nào đầu tư trồng cao su ở Bắc Lào.
Công ty Thai Hua, doanh nghiệp có sản lượng cao su xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan đã có dự án liên doanh thành lập Công ty Laos - Thai Hua trồng khoảng 31.600 ha cao su (200.000 rai) tại Viên-chăn, tỉnh Savanakhet và Bolikhamxay. Dự kiến đến năm 2012 sẽ bắt đầu khai thác với sản lượng ban đầu khoảng 10.000 tấn/năm và sẽ tăng lên 60.000 tấn/năm vào năm 2016, chủ yếu để xuất sang Trung Quốc và đưa về Thái Lan.
Chính phủ Lào đã có chủ trương dành cho Việt Nam 100.000 ha để đầu tư phát triển trồng cao su.
Trong 2 năm 2005-2006, Công ty CP Cao su Việt Lào đã trồng được 7.400 ha. Năm 2007, kế hoạch trồng mới của Công ty CP Cao su Việt Lào là khoảng 2.600 ha để hoàn thành mục tiêu 10.000 ha giai đoạn 1 tại các tỉnh Nam Lào.
Công ty Cao su Đắk Lắk đã trồng khoảng 4.000 ha ở các tỉnh Nam Lào  trong năm 2005 và 2006. Công ty dự kiến trồng 2.800 ha năm 2007 và sẽ sớm hoàn thành dự án 10.000 ha tại Chămpasắk và Salavan và Antôpư vào năm 2009.
Công ty CP Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào, liên kết giữa Công ty Cao su Dầu Tiếng và tỉnh Bình Dương, bắt đầu trồng năm 2007 với diện tích là 1.500 ha và sẽ phấn  đấu hoàn thành 10.000 ha đến năm 2009 theo dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương và Ủy ban chính quyền tỉnh Chămpasắk cho phép.
Chính quyền Lào đã cấp giấy phép cho Công ty Quasa-Geruco trồng 8.650 ha và Công ty Quang Minh 3.000 ha từ năm 2007.
Cao su tại Lào chỉ mới phát triển mạnh từ 5 năm gần đây và đạt được khoảng 31.500 ha đến năm 2006, lớn hơn so với các nước đã phát triển lâu năm như Ghana, Papua New Guinea, Gabon, Mexico, Guinea …   
Với các dự án đã ký giao cho được doanh nghiệp nước ngoài, Lào có khả năng phát triển 180.000 ha đến năm 2010 và 300.000 ha đến năm 2015. (VRA tổng hợp)
 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phát triển cao su ở Tây Bắc

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tiến hành khảo sát và làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu về chủ trương phát triển cao su tại vùng Tây Bắc. Được hai tỉnh đồng tình và hỗ trợ tích cực, Tập đoàn dự kiến phát triển 5.000 ha cao su tại mỗi tỉnh từ 2008 - 2010. Năm 2007, sẽ trồng thử 10 ha và bán cây giống cho Lai Châu trồng 100 ha. Nếu Sơn La chuẩn bị kịp đất, sẽ hỗ trợ trồng 120 ha trong năm nay. Mỗi tỉnh sẽ trồng 1.000 ha năm 2008, 2.000 ha năm 2009. Đến 2010, sẽ hoàn thành 10.000 ha trên 2 tỉnh.
Dựa vào kết quả của các vườn thí nghiệm giống của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tại khu vực phía Bắc và kết quả nghiên cứu của Trung Quốc, 5 giống được chọn trồng thử cho 10 ha đầu tiên là GT 1, RRIM 600, PB 260, RRIV 1 và IAN 873. Hàng được thiết kế theo bậc thang với mật độ 500 cây/ha (8 x 2,5 m).
 

Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy chuẩn bị trồng mới năm đầu tiên

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 258 QĐ-CSVN ngày 08/5/2007 công nhận Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy là đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Công ty có trụ sở tại 249 Phan Đình Phùng, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Vốn điều lệ của Công ty là 100 tỷ đồng, trong đó vốn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 60 %, Công ty Cao su Kon Tum là 10 %, Công ty Cao su Mang Yang là 10 %, Công ty Cao su Chư Pah là 10 % và Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú là 10 %. Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Trần Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng Giám đốc là ông Lê Khả Liễm, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cao su Chư Pah.

Tổng diện tích quy hoạch của Công ty là 10.000 ha. Năm 2007, Công ty dự kiến sẽ khai hoang trồng mới 500 - 700 ha tại xã Chư Morai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. 



Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường