Tỉnh Đắc Lắc đang cho phép các doanh nghiệp khảo sát, lập dự án chuyển đổi 69.557 ha rừng nghèo, trong đó có 53.122 ha rừng khộp (chiếm 76% diện tích) sang trồng cao su. Đây là chương trình hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà còn tác động đến môi trường sinh thái.
Tại cuộc hội thảo này, ý kiến của nhiều nhà khoa học nhận định: rừng khộp là một hệ sinh thái rừng rất đặc trưng. Nó được hình thành trong những điều kiện khắc nghiệt. Vì vậy sinh trưởng của cây rừng khộp rất chậm, nhưng đồng thời cũng khó thay thế bằng cây trồng khác.
TS Tôn Nữ Tuấn Nam (Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho rằng: Điều kiện đất đai khí hậu vùng rừng khộp Buôn Đôn và Ea Súp khắc nghiệt, tầng đất canh tác mỏng, khả năng úng ngập trong mùa mưa cao, lượng bốc thoát hơi nước và nhiệt độ cao trong các tháng mùa khô ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là các cây công nghiệp dài ngày, như điều, cao su và cả cây rừng trồng. Vì vậy, phát triển cao su tại vùng này cần phải cân nhắc kỹ. Nếu trồng cao su không thành công thì tác động xấu của việc mất rừng đến môi trường tự nhiên của vùng là rất lớn.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Đất – Phân bón và Môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa) cũng cho thấy: Đất rừng khộp có đặc trưng khô hạn trong mùa khô, dễ ngập úng trong mùa mưa. Đất có tỷ lệ cát cao và kết vón bề mặt lớn làm cho khả năng giữ ẩm kém, dễ mất nước trong mùa khô, mặt khác mùn và các dinh dưỡng khác cũng rất dễ bị rửa trôi trong mùa mưa. Tỷ lệ cát cao cũng dễ làm cho cây cao su đổ khi gặp gió lớn. Đất có hàm lượng mùn và dinh dưỡng thấp nên cây cao su chống chịu sâu bệnh kém, đồng thời phải chi phí đầu tư cao nhưng năng suất thấp.
Nhiều nhà khoa học khác cũng có những cảnh báo tương tự. Vì thế nếu tỉnh Đắc Lắc không cân nhắc kỹ trước khi quyết định chuyển đổi hơn 53.000 ha rừng khộp sang trồng cao su, đến khi cây cao su không cho mủ (tương tự như cây điều không trái), thì hậu quả sẽ rất lớn cả về kinh tế và môi trường sinh thái.