Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển cao su ở ĐăkLăk: Hướng tới con số 50 nghìn héc-ta
29 | 06 | 2007
Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, Chính phủ chỉ đạo từ nay đến năm 2010, các tỉnh ĐăkLăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum trồng mới 100 nghìn héc-ta cao su. Đây là cơ hội lớn để Tây Nguyên khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế và khẳng định vị thế của cây cao su trên vùng đất này.
ĐăkLăk có tới 700 nghìn héc-ta đất đỏ bazan, lại có độ cao thích hợp cho phát triển cà phê, cao su và những cây công nghiệp khác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là do thiếu quy hoạch trong phát triển các loại cây trồng nên đã xảy ra tình trạng người dân chặt bỏ cây này để trồng cây khác khi giá cả sản phẩm không ổn định. Và sự tranh giành diện tích gay gắt nhất trên thực tế đã xảy ra giữa cây cà phê và cao su. Cách đây gần 10 năm, khi giá cà phê cao, giá mủ cao su xuống mức quá thấp, ở nhiều địa phương trong tỉnh ĐăkLăk đã xảy ra tình trạng người dân chặt bỏ cao su để trồng cà phê. Ngoài ra phát triển cao su đòi hỏi phải có quỹ đất khá lớn, ít nhất từ 5 đến 7ha, trong khi đó thời gian đầu tư trong giai đoạn kiến thiết cơ bản dài hơn các cây khác (từ 7 đến 8 năm), nên người dân ít có điều kiện tham gia trồng cao su, ngay cả thời điểm giá mủ cao su xuất khẩu đạt cao như trong năm 2006 này. Từ những nguyên nhân trên, dẫn tới diện tích cao su của tỉnh ĐăkLăk phát triển trong suốt 20 năm qua cũng chỉ dừng lại ở 23 nghìn héc-ta, với sản lượng mủ hằng năm đạt từ 18 đến 20 nghìn tấn mủ quy khô. Đây là con số còn quá thấp so với tiềm năng đất đai của ĐăkLăk.

Mặc dù diện tích cao su còn ở mức thấp so với tiềm năng, nhưng trong những năm qua, cây cao su ở ĐăkLăk đã thể hiện khá rõ hiệu quả kinh tế và trên thực tế cao su đã trở thành một trong những cây trồng cho sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn. Cụ thể như Công ty cao su ĐăkLăk, với 13.500ha cao su hiện có, công ty này giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động, đồng thời mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước trên dưới 30 tỷ đồng - đây là con số không nhỏ đối với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như ĐăkLăk. Diện tích cao su tiểu điền ở ĐăkLăk tuy mới đạt con số khiêm tốn: hơn 5.000ha, nhưng đã mở hướng làm giàu cho hàng nghìn hộ gia đình, trong đó có hàng trăm hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã trở thành những nông dân sản xuất giỏi, có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.

Hiệu quả kinh tế của cây cao su mang lại đã được kiểm nghiệm trên thực tế ở ĐăkLăk. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu trồng mới 30 nghìn héc-ta cao su từ nay đến năm 2010 là không phải dễ. Bởi trên thực tế, quỹ đất cho trồng mới cao su ở ĐăkLăk hiện chủ yếu thuộc về đất rừng, muốn chuyển đổi sang đất nông nghiệp cần phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thông qua các đề án, chương trình cụ thể. Hiện nay tỉnh ĐăkLăk đang tiến hành điều tra, khảo sát lại đất lâm nghiệp trên địa bàn để xác định quỹ đất có đủ điều kiện chuyển đổi sang trồng cao su. Theo đồng chí Dương Thanh Tương, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh ĐăkLăk cho biết, diện tích cao su trồng mới của ĐăkLăk trong thời gian tới tập trung chủ yếu ở các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búc, Cư Mgar. Trong đó, dự kiến diện tích cao su trồng mới ở huyện Ea H’leo chiếm nhiều nhất với khoảng 10 nghìn héc-ta. Tỉnh ĐăkLăk cũng đã xác định, diện tích đất lâm nghiệp chuyển đổi sang đất nông nghiệp và dành cho phát triển cao su được xác định lấy từ quỹ đất rừng hiện đang do các lâm trường Chư Păh, Thuần Mẫn, Cư Né và Buôn Win quản lý. Cũng theo khẳng định của đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh ĐăkLăk, những khó khăn về quỹ đất cho trồng mới 30 nghìn héc-ta cao su hoàn toàn có thể giải quyết được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn một khó khăn nữa là vấn đề vốn đầu tư trồng mới cao su. Chủ trương của tỉnh ĐăkLăk là huy động nhiều nguồn vốn từ vốn vay, vốn của các doanh nghiệp và vốn trong nhân dân. Nhưng trên thực tế, nguồn vốn cho phát triển cao su, nhất là cao su tiểu điền ở tỉnh ĐăkLăk lâu nay luôn gặp phải vướng mắc. Thậm chí, ngay cả việc các hộ dân được doanh nghiệp đỡ đầu đứng ra vay vốn đầu tư trồng mới, nhưng hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ dân không rõ ràng, thiếu minh bạch nên dẫn tới tình trạng người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Còn chương trình phát triển cao su tiểu điền thuộc “Dự án đa dạng hóa nông nghiệp”, thì người dân luôn gặp khó khăn từ phía ngân hàng trong việc giải ngân vốn vay. Vấn đề đặt ra đối với ĐăkLăk là làm thế nào để tìm ra nguồn vốn đầu tư cho trồng mới cao su, nhất là với diện tích cao su tiểu điền và cao su của đơn vị trực thuộc tỉnh. Vì đầu tư trồng mới cao su đòi hỏi nguồn vốn khá lớn: trong chu kỳ 8 năm kiến thiết cơ bản, một héc-ta cao su đòi hỏi đầu tư từ 15 đến 20 triệu đồng.

Được biết, để cụ thể hóa chương trình trồng mới 30 nghìn héc-ta cao su, mới đây UBND tỉnh ĐăkLăk và Tổng Công ty cao su Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về việc Tổng Công ty cao su Việt Nam đầu tư trồng mới 15 nghìn héc-ta, còn lại 15 nghìn héc-ta, UBND tỉnh ĐăkLăk giao cho Công ty cao su ĐăkLăk trồng 10 nghìn héc-ta và 5 nghìn héc-ta là cao su tiểu điền trong nhân dân. Như vậy, nếu khắc phục được những khó khăn về quỹ đất, về vốn đầu tư, thì ĐăkLăk hoàn toàn có thể thực hiện thắng lợi chương trình trồng mới 30 nghìn héc-ta cao su. Và đến năm 2010, diện tích cao su của ĐăkLăk sẽ đạt con số hơn 50 nghìn héc-ta, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động và mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế - xã hội.



Trung tâm Xúc tiến Thương mại và du lịch Đắk Lắk

Báo cáo phân tích thị trường