Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầu tàu của kinh tế nông thôn
02 | 08 | 2008
Nông thôn hiện nay đang xuất hiện một tầng lớp nông dân mới là những ông chủ trang trại có ruộng đất lớn, sử dụng nhiều nông dân làm công nhân cho trang trại của mình. Chính những doanh nhân-nông dân này đã và đang thúc đẩy nền nông nghiệp đi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Nông dân làm doanh nhân

Từ nhu cầu của chính nông dân trong tỉnh mà đầu năm nay, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thành lập câu lạc bộ doanh nhân nông dân và tới nay, đã có hơn 50 nông dân làm lúa, nuôi cá, dịch vụ nông nghiệp tham gia câu lạc bộ. Ông Nguyễn Thanh Phong, chủ tịch hội cho biết đây là nơi mà các doanh nhân nông dân trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và tìm kiếm sự hợp tác trong sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng ở huyện Thoại Sơn, An Giang là thành viên của câu lạc bộ. Sau nhiều năm nhân giống lúa cung cấp cho nông dân tỉnh, trong vùng, ông Hùng đã đăng ký thương hiệu giống lúa của mình nhân được và lập ra Công ty TNHH Nghiên cứu, sản xuất lúa giống Hùng Hạnh, mà thực chất là một trang trại nhân lúa giống. Ngoài việc thành lập công ty, ông Hùng cũng tính chuyện mở đại lý phân bón thuốc trừ sâu để bán cho nông dân quanh vùng, đặc biệt là những nông dân mua giống của ông.

Trang trại của ông Hùng hiện nay đang có 8 gia đình nông dân với 23 công nhân-nông dân làm việc. Người gắn bó lâu thì cũng hơn 10-12 năm chứ không phải ít. Bình quân lương công nhân-nông dân đang làm việc cho ông Hùng từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng, có người đảm nhận khâu máy móc trong trang trại được trả lương gần 4 triệu đồng/tháng. Con của ông Hùng chuẩn bị sang Mỹ du học về nông nghiệp.

Thậm chí có chủ trang trại lúa giống ở huyện Tri Tôn, An Giang còn cho con trai của mình sang Mỹ du học và sau đó làm luận án tiến sĩ nông nghiệp với mục đích sau này nối nghiệp cha.

Trong suy nghĩ của nhiều người thì nông dân miền Tây gắn liền với xuồng ba lá, chiếc võ lãi hay cao hơn là chiếc xe máy Trung Quốc, vậy mà hiện nay, nhiều doanh nhân-nông dân ở An Giang hay nhiều địa phương khác đã sắm ô tô đời mới, xe máy đắt tiền đi… làm ruộng.

Hội Nông dân An Giang cho biết nhiều tỉ phú "Hai lúa" trong tỉnh mua xe hơi dễ như việc nông dân ngày trước mua chiếc ghe, sắm chiếc xuồng. Đó là những doanh nhân-nông dân như ông Nguyễn Quốc Hùng, Vũ Trọng Bá, Nguyễn Lợi Đức, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Huy, riêng tỉ phú lúa Trịnh Văn Phú, mới 34 tuổi nhưng cũng vừa tậu được cho mình chiếc ô tô trị giá 27.000 đô la Mỹ.

Trang trại đang tăng nhanh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), số lượng trang trại trên phạm vi cả nước đang tăng nhanh và loại hình sản xuất thì đa dạng đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.

Hiện cả nước có hơn 114.000 trang trại, tăng tới 86% so với năm 2001. Điều đặc biệt là ĐBSCL có số lượng trang trại chiếm gần 50% số trang trại cả nước, cũng phần nào chứng tỏ sản xuất hàng hóa và thế mạnh nông nghiệp của vựa lúa, trái cây, thủy sản ở đây.

Các trang trại trên cả nước hiện đang sử dụng hơn nửa triệu héc ta đất và bình quân một trang trại có 4,5 héc ta đất sản xuất. Tuy nhiên, quy mô đất ở các trang trại vùng ĐBSCL khá lớn, nhiều chủ trang trại có hàng chục, thậm chí là hàng trăm héc ta lúa liền bờ, liền khoảnh, thuận lợi cho cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.

Như trường hợp doanh nhân-nông dân Nguyễn Quốc Hùng ở phần đầu bài viết, có tới 32 héc ta đất trồng lúa. Ông Sáu Đức cũng ở An Giang có 70 héc ta lúa mà vụ đông xuân 2007-2008 ông thu hơn 4 tỉ đồng, trong đó lãi 2,5 tỉ đồng.

Huyện Thoại Sơn, An Giang có hơn 30.000 héc ta đất nông nghiệp thì có khoảng 10% nông dân có từ 30 héc ta trở lên. Toàn tỉnh An Giang thì số hộ có từ 5 héc ta đất làm lúa trở lên chiếm 0,13% hộ dân trong tỉnh.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, doanh thu bình quân một trang trại ở Việt Nam hiện nay là 161 triệu đồng/năm, trong đó cao nhất là trang trại chăn nuôi với doanh thu 244 triệu đồng và thấp nhất là trang trại rừng với 48 triệu đồng/năm.

Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Các trang trại đã sử dụng hơn 391.000 lao động làm việc thường xuyên. Do tính chất thời vụ của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nên ngoài lao động thuê mướn thường xuyên, các trang trại còn thuê mướn lao động thời vụ. Vào thời điểm cao nhất, các trang trại thuê trên một triệu lao động thời vụ.

Thu nhập bình quân một lao động làm việc thường xuyên trong các trang trại là 18 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 2 lần so với lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, 94,3% lao động làm việc trong trang trại là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, 2,8% lao động có trình độ sơ cấp và chỉ có 2,9% lao động có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường