Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầu tư công nhìn từ dự án 5 triệu héc ta rừng
24 | 08 | 2007
Sau tám năm theo đuổi dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng, một dự án sử dụng vốn đầu tư công với nhiều mục tiêu đầy tham vọng, các nhà quản lý mới đây đã chính thức thừa nhận rằng dự án không thể hoàn thành như dự kiến. Dự án này có thể được coi như một điển hình về đầu tư không hiệu quả...

Những tính toán sai

Tám năm triển khai dự án, cả nước mới chỉ trồng được 644,8 ngàn héc ta rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đạt 32,2% kế hoạch trồng mới 2 triệu héc ta. Đối với rừng nguyên liệu công nghiệp và cây công nghiệp lâu năm, mới chỉ trồng được 779,3 ngàn héc ta, đạt 26% kế hoạch trồng mới 3 triệu héc ta rừng. Tương tự, trong tám năm qua Việt Nam chỉ mới khoanh nuôi tái sinh được 763,5 ngàn héc ta rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đạt 38,1% so với kế hoạch.

Đánh giá về kết quả này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận dự án đã không đạt yêu cầu đề ra và đã phải dành tới bảy trang tài liệu để phân tích về các nguyên nhân thất bại cũng như kiến nghị các giải pháp xử lý. Những nhận định chung nhất được đưa ra là “tiến độ trồng rừng chậm, không đạt kế hoạch; chất lượng rừng còn kém, khả năng cung cấp gỗ rừng thấp; tình trạng chặt phá rừng xảy ra ở nhiều nơi và công tác giao rừng còn thực hiện chưa tốt”.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nói việc chuẩn bị dự án trình Quốc hội từ tám năm trước đã “chưa thật đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa tính hết các điều kiện đảm bảo thực hiện dự án như khả năng huy động vốn, tổ chức bộ máy điều hành, công tác quản lý và cơ chế, chính sách thực hiện cụ thể, việc đánh giá hiệu quả của các loại rừng...”.

Thực tế, ngay từ năm 1997, khi Chính phủ trình dự án ra Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra, trong đó nêu rõ rằng “các nguồn dự kiến huy động vốn tuy đa dạng nhưng chưa xác định rõ tính khả thi, việc đánh giá hiệu quả của các loại rừng chưa đủ tin cậy, chủ yếu chỉ nói về số gỗ dự kiến sinh ra mà chưa xác định được tất cả các chi phí cần thiết khác nên hiệu quả kinh tế trực tiếp chưa thật rõ ràng”. Nhưng sau đó, các kiến nghị của các đại biểu quốc hội và các cơ quan giám sát của Quốc hội đã không được nghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc.

Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chi 31.650 tỉ đồng, sau điều chỉnh tăng lên thành 33.000 tỉ đồng cho dự án được thuyết minh là sẽ “đẩy mạnh tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân” với mục tiêu trồng mới 5 triệu héc ta rừng đến năm 2010.

Nhưng những gì đã diễn ra lại không như dự kiến ban đầu của những người xây dựng dự án. Suất đầu tư cho khoán bảo vệ rừng là 50 ngàn đồng/héc ta/năm; khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung là 1 triệu đồng/héc ta/6 năm, hiện đã được nâng lên 4 triệu đồng/héc ta/6 năm trên thực tế chỉ mang tính hỗ trợ, không phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng.

Theo ông Tri, “việc ấn định định mức đầu tư chưa căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, không theo quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, lại được ấn định trong thời gian dài do điều kiện tiền lương, vật tư giá cả thay đổi nhanh khiến hầu hết rừng phòng hộ chỉ mang ý nghĩa phủ xanh mà không đảm bảo được chất lượng của rừng”. Tổng cộng sau tám năm, mới chỉ có 7.900 tỉ đồng vốn được triển khai, chỉ bằng 25% kế hoạch.

Chưa kể, suất đầu tư cho hạ tầng lâm nghiệp nói chung chỉ ở mức 5% tổng vốn đầu tư của các địa phương nên trên thực tế đầu tư cho hạ tầng lâm nghiệp chỉ ở mức nhỏ giọt trong nhiều năm liền, không đủ để tạo ra động lực cho một dự án lớn như vậy.

Sẽ phải điều chỉnh mục tiêu

Trong phiên họp báo cáo về tình hình dự án tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thay mặt Chính phủ đã chính thức đề xuất với Quốc hội về việc điều chỉnh mục tiêu dự án theo hướng giảm bớt các chỉ tiêu, hoặc cho phép kéo dài thêm thời gian thực hiện.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, do thời gian còn lại quá ngắn nên một loạt chỉ tiêu của dự án cần được điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Chẳng hạn, đối với rừng đặc dụng và phòng hộ, sẽ phải giảm diện tích cần trồng thêm theo kế hoạch là 368,7 ngàn héc ta xuống còn 250 ngàn héc ta; đối với rừng nguyên liệu, sẽ phải giảm từ 1,3 triệu héc ta theo kế hoạch xuống còn 750 ngàn héc ta...

Dù còn phải đưa ra thảo luận ở Quốc hội, song theo ghi nhận của TBKTSG, việc điều chỉnh mục tiêu dự án gần như chắc chắn sẽ là phương án được lựa chọn trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, khi một dự án không đạt được theo kế hoạch ban đầu thì việc điều chỉnh mục tiêu là bình thường, thậm chí là cần thiết để đảm bảo cho dự án vẫn đạt được những hiệu quả nhất định. Nhưng điều đáng nói ở dự án này là cơ chế hình thành và triển khai dự án đã không đi theo đúng các quy luật kinh tế thông thường, có những biểu hiện của việc chạy theo chỉ tiêu mà bỏ qua các yếu tố đầu vào quyết định trực tiếp tới chất lượng và tiến độ dự án. Chính vì vậy mà việc điều chỉnh mục tiêu dự án cũng thể hiện năng lực quản lý và điều hành của các cấp quản lý hiện nay. Khi mỗi dự án phải thay đổi, điều chỉnh, chi phí xã hội sẽ lại tăng lên và với những dự án lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng như vậy thì chi phí tăng lên là rất lớn

Đã có bao nhiêu dự án, chương trình quốc gia phải điều chỉnh mục tiêu, thời hạn hoặc tổng mức đầu tư? Từ dự án 5 triệu héc ta rừng cho đến hàng loạt dự án với quy mô khác nhau, sự thất bại đang đặt ra gay gắt yêu cầu về một cơ chế quản lý mới đối với đầu tư công.

Theo Saigontimes

Báo cáo phân tích thị trường