Các đầu nậu đứng đằng sau “giật dây” người dân địa phương phá rừng phòng hộ lấy gỗ và xâm chiếm đất đai trồng cây nguyên liệu. Hậu quả, nhiều diện tích rừng phòng hộ đang bị tàn phá không thương tiếc.
Phá rừng, chiếm đất
Vùng đồi núi Hiệp Đức thích hợp trồng các loại cây nguyên liệu, hiện có đến 13.000ha keo và 3.100ha caosu. Năm nay, giá keo nguyên liệu lên cao, bình quân thu nhập từ 1ha keo vào khoảng 50 triệu đồng, lãi ròng đến 25 triệu đồng, nên phong trào trồng keo nguyên liệu cũng phát triển rầm rộ. Nhiều người đua nhau khai hoang trồng keo, kể cả khai hoang... rừng phòng hộ. Ông Huỳnh Năm - Trưởng phòng NNPTNT huyện - cho biết: “Người dân chạy theo lợi nhuận nên làm tràn lan, lấn đất, phá cả rừng phòng hộ, chỗ này nửa héc (hécta), chỗ chia một héc, có nơi hàng chục héc, tập trung nhiều nhất ở các xã Quế Lưu, Phước Trà, Sông Trà, Hiệp Thuận, Thăng Phước”.
Nhiều cánh rừng phòng hộ đã bị giết chết để lấy đất trồng keo. Nhiều người ngang nhiên dùng cả đến phương tiện cơ giới, thuê nhân công tổ chức chặt hạ cây cối, tàn sát cả vùng rừng rộng lớn. Tại rừng phòng hộ Nà Riềng, tiểu khu 509 (thôn 4, xã Quế Lưu), ít nhất 19ha rừng đã bị phá để lấy đất trồng cây nguyên liệu. Hàng chục người dùng phương tiện cơ giới, cưa máy ồ ạt “xẻ thịt” rừng phòng hộ Nà Riềng, khiến 19ha rừng phòng hộ vốn cây xanh ngút ngàn nay chỉ còn trơ đồi trọc, trong đó 5ha bị triệt hạ hoàn toàn, ít nhất 650 cây gỗ lớn có đường kính từ 10-50cm bị đốn hạ. Tại vùng rừng Cà Xay (thôn 2 xã Sông Trà), hàng chục người ngang nhiên tập trung phát đốt trên diện tích 7ha với mục đích lấy đất trồng cây nguyên liệu. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó phòng TNMT - cho biết: “Tại xã Quế Lưu có 5 điểm phá rừng phòng hộ Nà Riềng đang do kiểm lâm huyện xử lý. Tại xã Thăng Phước có đến 18 trường hợp, trong đó UBND xã chuyển hồ sơ 2 trường hợp để kiểm lâm huyện xử lý. Vụ tại xã Sông Trà, huyện giao kiểm lâm, các phòng NNPTNT và TNMT huyện cùng kiểm tra làm rõ”.
Đầu nậu thao túng
Đáng nói, liên tiếp các vụ xâm hại, phá rừng lấy đất trồng cây nguyên liệu xảy ra gần đây ở Hiệp Đức không phải đều xuất phát từ nguyên nhân do người dân bản địa thiếu đất canh tác. Chính các đầu nậu đứng đằng sau xúi giục, thuê mướn nhân công là người dân bản địa và lấy chiêu bài “hợp tác làm ăn” với dân địa phương mới là thủ phạm nuốt chửng đất rừng phòng hộ. Ông Huỳnh Năm - Trưởng phòng NNPTNT huyện - cho biết: “Mặc dù lợi nhuận từ trồng keo cao như vậy, nhưng không phải dân sở tại ai cũng đủ đất, đủ tiền đầu tư với diện tích lớn, dẫn đến tình trạng bao chiếm đất rừng, phá rừng tràn lan ồ ạt như vậy.
Giá cả nhân công làm thuê khai hoang phát rẫy trồng rừng hiện từ 100-200, thậm chí 500 nghìn đồng/ngày tuỳ công việc cụ thể, là mức rất cao đối với vùng này, nên các đầu nậu dễ dàng thuê mướn, sử dụng nhân công theo mục đích riêng. Mức lãi từ keo nguyên liệu cũng cao, nhưng hưởng lợi lớn nhất cũng không phải dân trồng rừng mà phần lớn vào túi đầu nậu. Vì vậy, hiện dù thủ tục cấp sổ bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của hầu hết dân các xã vùng cao đã xong, nhưng vẫn chưa dám giao về cho dân vì sợ dân mang “cấn” cho các đầu nậu trồng rừng để “hợp tác làm ăn”.
Cụ thể, vụ phát đốt bao chiếm đến 7ha đất ở Sông Trà diễn ra hàng tháng nay ngành chức năng huyện mới biết nhờ dân phản ánh, khi đến kiểm tra thì hiện trường chỉ có các nhân công làm thuê và họ khai ra là làm thuê cho ông Khanh ở thị trấn Tân An cùng một ông “cán bộ to” ở huyện. Tương tự, vụ “khai hoang” đến 19ha rừng phòng hộ Nà Riềng, người dân cũng cho biết có đầu nậu chủ chốt đứng sau tổ chức. Thêm nữa, vụ việc xảy ra ngay trong rừng phòng hộ, trên phạm vi rộng, với số lượng hàng mấy trăm cây gỗ lớn bị chặt hạ, rõ ràng không chỉ nhằm một mục đích khai hoang trồng nguyên liệu, nhưng đến 2 tháng trời sau đó kiểm lâm huyện mới phát hiện, đến nay đã khởi tố vụ án với 3 bị can, trong đó có đối tượng là người từ thị trấn Tân An. Sự buông lỏng quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương cũng đã “tiếp tay” dẫn đến thực trạng mất đất, mất rừng.
Theo Trương Tâm Thư
Lao động