Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp phát triển vốn rừng ở Thanh Hóa
15 | 08 | 2008
Người dân sinh sống trên đất rừng là chủ thể tác động tới vốn rừng. Những năm gần đây, Thanh Hóa chú trọng phát triển vốn rừng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, nạn phá rừng tái diễn, đời sống một bộ phận nhân dân sống bằng nghề rừng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng phát triển nghề rừng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống người dân làm nghề rừng là giải pháp bảo vệ rừng bền vững.

Tái diễn nạn phá rừng

Thanh Hóa là tỉnh có tài nguyên rừng phong phú, giàu trữ lượng. Ðây cũng là địa bàn giao thoa của hai luồng thực vật bắc và nam Việt Nam. Những năm 90 của thế kỷ trước, tình trạng khai thác gỗ, đốt rừng làm rẫy diễn ra nhiều nơi. Thời gian qua, tình trạng phát rừng làm rẫy, khai thác động, thực vật giảm mạnh. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ trồng rừng, nhân rộng nghề rừng nhân dân, đến nay độ che phủ thực vật đạt 45%, đời sống một bộ phận dân cư được cải thiện rõ rệt.

Nhưng thời gian gần đây, tình trạng phá rừng tái diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, bảy hộ phát trộm ba ha rừng lấy đất sản xuất, trồng cây hàng hóa. Cuối năm 2007, Chính phủ có Công văn 1879/TTCP chỉ đạo bàn giao Vườn quốc gia Bến En thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cho tỉnh quản lý. Kết quả thanh tra an ninh rừng tại Vườn Quốc gia Bến En cho thấy, hiện tượng khai thác gỗ trái phép xảy ra trong một thời gian dài, tính chất, mức độ nghiêm trọng, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời, gây thiệt hại hơn 260 triệu đồng.

Tại khoảnh 5, tiểu khu 367 B xã Thành Vân, huyện Thạch Thành diện tích 75,18 ha rừng giao cho UBND xã khoanh nuôi, bảo vệ nhưng nguyên Chủ tịch UBND xã Bùi Trọng Nghĩa đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 1999 đến 2005 diện tích này được hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ theo dự án 661 với tổng số tiền 24.375 nghìn đồng.

Sau một thời gian cải tạo rừng khoanh nuôi sang trồng rừng, tháng 3-2006 ông Bùi Trọng Nghĩa tự ý chuyển nhượng diện tích rừng, đất rừng nêu trên cho Công ty TNHH Ðức Tài. Công ty đã phá vỡ hiện trạng rừng khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị thu hồi diện tích nêu trên để giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong xã, truy thu số tiền 24.375 nghìn đồng đã chi trả không đúng đối tượng và 81 triệu đồng UBND xã Thành Vân đã nhận từ chủ doanh nghiệp...

Theo giải trình của các ngành liên quan: năm 2007, Thanh Hóa được giao chỉ tiêu khai thác chính hơn 6.000 m3 gỗ. Bên cạnh đó, việc thi công một số công trình trọng điểm như hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Ðạt, hệ thống đường gom và tuyến đường nối các huyện miền tây Thanh Hóa; việc phân quyền cho chủ tịch UBND các huyện cấp phép khai thác gỗ tận thu tận dụng, gỗ làm nhà thuộc Chương trình 134 và mỗi hộ được giao đất, nhận rừng được khai thác không quá 10 m3 gỗ để cải thiện khó khăn về nhà ở đã làm cho tài nguyên rừng bị tác động mạnh.

Qua theo dõi, thống kê, năm 2007, các địa phương trong tỉnh khai thác tới 16 nghìn m3 gỗ tận dụng và sáu tháng đầu năm nay đã khai thác 6.700 m3. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình 134 đến hết năm 2007 có 626 hộ gia đình khai thác 3.996 m3 gỗ để làm nhà. Năm 2008, toàn tỉnh còn 1.551 hộ xin được cấp phép khai thác khoảng 9 nghìn m3 gỗ để khắc phục khó khăn về nhà ở. Lợi dụng cơ hội này, không ít đối tượng đã khai thác thêm, khai thác không đúng lô, đúng cội.

Kiểm tra gần đây của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa mới phát lộ: mỗi xã hưởng lợi từ Chương trình 134 đã khai thác thêm từ 10 đến 15 m3 gỗ. Lãnh đạo huyện Như Xuân còn duyệt cho khai thác sai đối tượng rừng, không đúng đối tượng hưởng lợi, Phòng Nông nghiệp huyện thẩm định sai địa danh và không gửi giấy phép khai thác gỗ làm nhà cho kiểm lâm theo dõi, giám sát khai thác.

Những bất cập trong bảo vệ, phát triển vốn rừng

Ðể xảy ra những vụ việc khai thác rừng trái phép ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng, chính quyền cấp xã, huyện và cơ quan kiểm lâm cấp huyện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Sau khi tiến hành các cuộc thanh tra an ninh rừng, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã áp dụng các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến thuyên chuyển công tác hàng chục cán bộ, nhân viên. Ðối với các chủ rừng, đối tượng được trao quyền tự chủ trên đất lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP, cơ quan kiểm lâm đã xử lý nghiêm minh, có vụ chuyển hồ sơ điều tra bổ sung, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dư luận chờ đợi Bộ chủ quản áp dụng hình thức kỷ luật đối với Giám đốc Vườn quốc gia, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Bến En và băn khoăn về tiến độ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các huyện, xã, cán bộ một số phòng ban liên quan để xảy ra các vụ phá rừng.

Ðến các địa phương để tìm nguyên nhân dẫn đến việc phá rừng chúng tôi còn được biết, đến thời điểm này một bộ phận dân cư vẫn chưa được nhận đất, nhận rừng. Tại xã Xuân Thái, huyện Như Thanh từ năm 2001 Vườn quốc gia Bến En cắt 551,6 ha đất lâm nghiệp để giao cho dân nhưng chính quyền sở tại mới giao 298,6 ha cho 332 hộ, UBND xã để lại 253 ha tạo nguồn thu ngân sách. Thành thử, sống trên đất rừng, nhưng 106 hộ gia đình ở thôn 3, thôn 4, Ðồng Lườn, Yên Khang chưa được nhận đất, nhận rừng. Mới đây, lực lượng kiểm lâm Như Thanh tiếp tục giao diện tích 153,5 ha đất lâm nghiệp còn lại cho 85 hộ gia đình với diện tích trung bình 1,3 ha đến 1,8 ha/hộ. Trong buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành của tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Xuân cho hay là đã giao khoán 3.000 ha rừng cho nhân dân nhưng không giải trình rõ đã giao cho bao nhiêu hộ dân trong và ngoài địa bàn. Thực tế có bao nhiêu hộ dân ở xã Xuân Thái nhận kinh phí khoanh nuôi, bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha mới được nâng lên 100.000 đồng/ha/năm?

Xuống xã Xuân Khang, Xuân Phúc, Phúc Ðường, huyện Như Thanh nhân dân phản ánh: Hộ được giao đất theo Nghị định 02/CP nhận kinh phí khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên đầu tư qua các dự án, Ban Quản lý rừng phòng hộ gặp khó khăn khi cải tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất. Hết chu kỳ khoanh nuôi, bảo vệ, năng suất sinh khối tăng không đáng kể, vẫn là rừng nghèo kiệt. Nhưng khi làm thủ tục xin cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng còn vướng quy chế quản lý rừng phòng hộ ngặt nghèo, cán bộ thiếu tận tâm. Do vậy, nhiều hộ dân tự động phá rừng để trồng những loài cây có giá trị kinh tế cao. Từ chỗ lợi dụng vốn rừng để mưu sinh, nhân dân một số địa phương ở vùng thượng du của tỉnh dần chuyển sang đầu tư phát triển vốn rừng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Gần đây, hiện tượng chuyển mục đích sử dụng đất, nhượng quyền sở hữu rừng, đất rừng diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Riêng làng Thúng xã Giao Thiện (Lang Chánh) 87 hộ gia đình đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho những hộ có tiềm lực đầu tư phát triển rừng. Tại huyện Như Thanh diện tích đất lâm nghiệp đã chuyển sang trồng dứa, cà-phê nay dự án, doanh nghiệp đổ bể, vùng nguyên liệu dứa đầu tư bằng vốn vay ngân hàng phá đi đã khó, trồng lại rừng không phải dễ vì nợ cũ còn đó, tổ chức tín dụng giữ chặt "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" để làm tin. Nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh còn sử dụng đất lâm nghiệp để trồng mía nguyên liệu, trồng sắn cung ứng cho các nhà máy, cơ sở chế biến, gieo trồng các loài cây nông nghiệp trên đất dốc.

Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và qua thực tiễn gắn bó với chủ thể nhận đất, nhận rừng, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Vũ Văn Vân thừa nhận: Chính sách hưởng lợi theo Quyết định 178/QÐ-TTg còn thấp, chưa tạo động lực phát triển vốn rừng và đủ sức hấp dẫn hộ nhận đất, nhận rừng yên tâm gắn bó với nghề rừng. Hằng năm, hộ tham gia quản lý bảo vệ rừng chỉ được hưởng 2% tổng sản lượng lâm sản theo chu kỳ khai thác. Sau khi trừ chi phí thiết kế, tổ chức khai thác, thuế tài nguyên và các chi phí khác, hộ tham gia bảo vệ, phát triển vốn rừng thực nhận 30.000 đồng/một m3 gỗ khai thác tận thu tận dụng.

Nâng cao đời sống dân sinh

Theo số liệu điều tra, tỷ lệ hộ đói nghèo ở tỉnh Thanh Hóa gấp hai lần bình quân chung cả nước. Bình quân thu nhập từ một ha rừng mới đạt 4 triệu đồng/năm, cho nên trong số 11 huyện miền núi ở vùng thượng du Thanh Hóa, bảy huyện có tỷ lệ hộ đói nghèo hơn 50%. Cán cân đói nghèo nghiêng về các xã vùng sâu, vùng xa, huyện miền núi, vùng cao biên giới càng làm gia tăng sức ép cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thực thi các giải pháp đồng bộ, nâng cao đời sống dân sinh khu vực này luôn là giải pháp quyết định bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Cùng với việc lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực, gia tăng nguồn ngân sách đầu tư phát triển vốn rừng. Thời gian qua, trung bình mỗi năm tỉnh Thanh Hóa được giải ngân từ 14 đến 15 tỷ đồng phân bổ cho 45 đầu mối làm nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng. Sau khi phân loại ba loại rừng, Thanh Hóa có 130 nghìn ha rừng, đất rừng chuyển đổi để trồng rừng sản xuất.

Số liệu trên còn cho thấy, sau nhiều năm đầu tư phát triển vốn rừng, năng suất sinh khối tăng chậm, một bộ phận diện tích vẫn là rừng nghèo kiệt cần cải tạo để tổ chức kinh doanh, phát triển nghề rừng theo hướng tăng cường đầu tư thâm canh các loại cây trồng, gia tăng sản lượng, lâm sản hàng hóa. Dù vậy, Thanh Hóa còn phải chờ ý kiến của Chính phủ mới được cải tạo, tác động. Hiện phương án trồng 42.902,56 ha rừng trên đất trống, đồi trọc, cải tạo 37.771,65 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt và 15.313,28 ha rừng trồng kém chất lượng còn nằm trên giấy.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 287 cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, 105 tổ mộc gia đình phân bố rải rác ở 20 huyện, thị, tạo việc làm thường xuyên và không thường xuyên cho 2.344 lao động. Tuy nhiên, công nghệ chủ yếu là cưa xẻ, băm dăm, sản phẩm hàng hóa sau chế biến còn nghèo nàn, đơn điệu. Mỗi năm Thanh Hóa khai thác hơn 3.000 m3 gỗ, gần 20 triệu cây luồng, 27 nghìn tấn nan thanh nhưng tất cả được bán ra thị trường dưới dạng nguyên liệu thô, sản phẩm mới qua sơ chế.

Do vậy, cùng với việc đầu tư phát triển vốn rừng cần quan tâm quy hoạch, phát triển mạnh công nghiệp chế biến lâm sản, tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chế biến sâu, nhân rộng làng nghề chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, quan tâm cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ gỗ nhằm nâng cao giá trị thu nhập từ rừng.

Sau nhiều năm phát triển lâm nghiệp, thực hiện xã hội hóa nghề rừng, kinh tế trang trại định hình, phát triển mạnh ở vùng thượng du Thanh Hóa. Toàn tỉnh hiện có 352 trang trại lâm nghiệp chiếm 10,4% tổng số 3.384 các loại hình trang trại. Sản xuất, kinh doanh tổng hợp theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, canh tác cây nông nghiệp dưới tán rừng, linh hoạt trong xây dựng mô hình rừng - vườn - ao- chuồng (RVAC) dần trở thành công thức được ứng dụng sáng tạo trong nhiều gia đình ở các huyện miền núi, trung du trong tỉnh.

Hiện Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đang nghiên cứu, xây dựng dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Bến En và ba Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên. Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân dân khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh tài nguyên rừng, đất rừng, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng. Mặt khác, kiểm lâm Thanh Hóa cùng các ngành liên quan tham mưu cho tỉnh hỗ trợ lương thực cho nông dân để chuyển hơn 23 nghìn ha đất lâm nghiệp đang sử dụng làm nương rẫy sang trồng rừng hàng hóa. Mục tiêu là tạo điều kiện cho hộ gia đình có cuộc sống ổn định, giàu lên nhờ rừng. Ðó cũng là giải pháp bảo vệ, phát triển vốn rừng bền vững.



Nguồn: nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường