Đây là nội dung của công trình nghiên cứu về tình hình bảo vệ rừng trên thế giới trong suốt 15 năm (1990 đến 2005), công bố ngày 13-11 trên Tập san của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.
Nguyên cứu trên cho thấy trong 15 năm qua, diện tích tái trồng rừng, phủ xanh ''đất trống đồi trọc'' trên toàn thế giới tăng, một số khu rừng thậm chí còn rậm rạp hơn so với cách đây gần 200 năm, đã góp phần làm giảm bớt tình trạng khí hậu Trái đất nóng lên, vì rừng là nơi hấp thu chủ yếu lượng khí dioxide carbon (CO2), thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính.
Trong số 50 nước thuộc diện nghiên cứu, VN, TQ và Tây Ban Nha có tốc độ phục hồi rừng nhanh nhất thế giới, trong khi Nigeria và Philippines là hai nước có tỷ lệ rừng bị "biến mất" nhiều nhất. Nghiên cứu cũng cho thấy diện tích rừng tiếp tục giảm mạnh và nhanh tại Indonesia và Brazil, trong khi lại tăng ở Mỹ và Trung Quốc.
Nhóm tác giả của công trình nghiên cứu trên cho biết các chính sách trồng cây gây rừng, tăng diện tích đất nông nghiệp (dựa vào biện pháp thâm canh) và làn sóng di cư từ nông thôn ra thành phố là những yếu tố góp phần làm tăng nguồn vốn đầu tư cho rừng trong suốt 15 năm qua tại 22 nước trong tổng số 50 nước có diện tích rừng lớn.
Jesse Ausubel, chuyên gia về môi trường thuộc Đại học Tổng hợp Rockefeller ở New York, Mỹ cho rằng sự thay đổi triệt để trong chính sách sử dụng đất có thể áp dụng rộng rãi tại các nước như Brazil và Indonesia - những quốc gia vẫn đang phải đối mặt với tình trạng phá rừng trầm trọng, đồng thời góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng từ nay đến năm 2050.
Dự báo trong vòng 45 năm tới, diện tích rừng trên toàn thế giới có thể tăng 10%, khoảng 300 triệu héc-ta, tương đương với diện tích của Ấn Độ ngày nay.