Người dân trồng cao su chịu ảnh hưởng như thế nào?
Trước tiên, phải khẳng định rằng, ngành cao su là một ngành có lợi thế lớn khi Việt Nam hội nhập toàn cầu. Cao-su thiên nhiên với nhiều ưu điểm trong việc chế biến được nhiều loại sản phẩm xuất khẩu đang được các nước có nền công nghiệp phát triển ưa chuộng, nhu cầu tăng cao, giá thu mua tốt. Vì vậy việc xuất khẩu cao-su thiên nhiên như hiện nay sẽ còn thuận lợi ít nhất 2-3 năm nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, bà con nông dân cần phải hiểu rằng, giá cao su hiện nay ảnh hưởng rất nhiều vào nhu cầu của thế giới. Do đó, năm nay được giá không có nghĩa là sang năm cũng sẽ được như vậy vì nếu giá có biến động, họ sẽ là người đầu tiên chịu thiệt thòi. Bà con nông dân không nên vì lợi ích trước mắt bỏ cây trồng truyền thống chuyển sang trồng cây cao su.
Khuyến cáo: Muốn cạnh tranh tốt khi hội nhập, chỉ có cách là bà con nông dân phải tự nâng cao vị thế cạnh tranh của mình. Có nghĩa là:
- Về sản xuất: Vấn đề đầu tiên là đối mặt với cải tiến chất lượng. Bà con không nên mở rộng, quảng canh mà chỉ nên chú trọng thâm canh, áp dụng các công nghệ lấy mủ cao su cho năng suất cao. Phải phấn đấu lên mức 1.700 - 2.000kg/ha chứ như năng suất cao su tiểu điền hiện chỉ dưới 1.000 kg/ha là quá thấp.
+ Sử dụng giống do Viện Nghiên cứu Cao su cung cấp, không sử dụng giống trôi nổi trên thị trường vì như vậy trong vài năm tới chất lượng mủ cao su sẽ thấp.
- Nâng cao khả năng thương lượng, đàm phán giá, có nhiều cách:
+ Tham gia HTX. Nếu chỉ là những hộ nông dân trồng cá lẻ thì người dân không thể gặt hái được những cơ hội trong quan hệ với thị trường. Trường hợp các hộ nông dân xã Vinh Quang, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum trồng trên 25ha cao su tiểu điền là ví dụ. Khi giá mủ cao su cao, tình trạng tranh mua tranh bán diễn ra khá căng thẳng, người trồng cao su luôn bị ép giá, các hộ nông dân ở đây đã đã góp vốn thành lập HTX, tất cả mủ nước đều được chế biến thành mủ tờ, sản phẩm đầu ra có HTX lo, đến nay, mỗi ngày HTX lãi 2.000.000 đồng, thu nhập của các thành viên đều tăng hơn 30% so với trước khi gia nhập.
+ Tham gia sàn giao dịch: Về lâu dài, tham gia vào WTO có nghĩa là chúng ta tiếp cận với nhiều cơ hội bán hàng hơn. Bên cạnh kênh mua bán trực tiếp, truyền thống (hộ nông dân-tư thương), một kênh khác rất phổ biến, thuận tiện tại các nước, vừa giúp người dân giảm thiểu rủi ro về giá là tham gia sàn giao dịch. Một tin vui cho người dân trồng cao su, sau cà phê, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã chính thức triển khai thêm những hợp đồng tương lai hàng hoá cho 2 mặt hàng nữa là đậu nành và cao su.
Theo nguồn tin từ Ngân hàng CP Kỹ thương Techcombank: Nông dân có thể tham gia trực tiếp các hợp đồng tương lai. Với 300.000 - 500.000 tấn xuất khẩu/năm, sử dụng hợp đồng tương lai, doanh nghiệp và người trồng cao su không sợ “thiệt đơn thiệt kép” do bị ép giá như hiện nay. Là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, tham gia hợp đồng tương lai sẽ giúp nông dân chủ động được giá bán, không bị lỗ khi nông sản rớt giá. Những thông tin giá, phân tích thị trường, dự đoán diễn biến, đều được Techcombank đưa trên mạng, hoặc gửi tin nhắn của điện thoại di động, báo qua điện thoại cố định hoặc fax... Mỗi hợp đồng tương lai giao dịch, tối thiểu khách hàng có ít nhất 1 lot, tương đương với 5 tấn sản phẩm; và thực hiện ký quỹ từ 5-8% giá trị hợp đồng tuỳ theo quy định của từng sàn giao dịch. Như vậy, với nông dân trồng cà phê chẳng hạn, chỉ cần số tiền ký quỹ 600-700 USD (tương đương khoảng 10 triệu) cho 5 tấn là đã có thể giao dịch được rồi. |