Giá điều thế giới đã giảm khoảng 10% trong năm 2006, với giá điều W320 của Ấn Độ giảm từ 2,4 USD/kg xuống 2,2 USD/kg vào cuối năm 2006 và tiếp tục giảm xuống 2,14 USD/kg cuối tháng 1/2007. Điều W 3 của Braxin cũng giảm từ 2,1 USD/kg xuống 1,9 USD/kg trong năm 2006 xong lại nhích lên 1,95 USD/kg cuối tháng 1/2007.
Nguyên nhân giá giảm bởi sự cạnh tranh từ những loại hạt có dầu khác cũng tăng. Tại Mỹ - thị trường tiêu thụ điều lớn nhất thế giới - giá quả hạnh tại Mỹ giảm, khiến người tiêu dùng nước này chuyển sang dùng nhiều loại quả này và giảm dùng hạt điều. Hạt điều hiện được tiêu thụ trên toàn thế giới. Mỹ chiếm 55% tổng lượng nhập khẩu hạt điều thế giới, tiếp đến là Hà Lan với 10%, Đức với 7%, Nhật Bản và Anh với 5%.
Sản lượng hạt điều thế giới mấy năm qua liên tục tăng, phản ánh xu hướng sản lượng của Việt Nam, và chỉ chậm lại vào năm 2006 do hạn hán. Trong vòng 10 năm qua, sản lượng điều thế giới tăng gấp hơn 2 lần, đạt gần 2 triệu tấn. Việt Nam đang tiến sát Ấn Độ về sản xuất điều. Hiện Ấn Độ là nước sản xuất điều thô lớn nhất thế giới, với sản lượng 450.000 tấn mỗi năm (25% sản lượngd diều thế giới). Việt Nam đứng thứ 2 với khoảng 350.000 tấn, và Braxin đứng hàng thứ 3 với 180.000-200.000 tấn mỗi năm. Những nước sản xuất khác là Nigeria 8%) Tanzania có 6%, Indonesia có 4% (120.000 tấn năm 2004), Guinea Bissau có 4%, Côđivoa có 4%, Mozambique có 3% và 2% trong sản lượng điều thế giới.
Việt Nam và Ấn Độ, hai nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, đã thành lập một liên minh khuyến khích tiêu thụ điều thế giới. Hai cơ quan cũng đã mời Hiập hội các nhà sản xuất Điều Braxin - nước xuất khẩu điều lớn thứ 3 thế giới, tham gia vào liên minh. Braxin dự kiến sẽ gia nhập liên minh vào ngày 30/4/2007. Liên minh 3 nước sẽ khuyến khích tăng lượng tiêu thụ đối với mặt hàng này trên tất cả các nước như một mặt hàng quan trọng, nghiên cứu, phát triển những sản phẩm tiêu dùng gián tiếp như sôcôla, bánh mứt kẹo và các loại thực phẩm khác.
Liên minh Việt Nam - Ấn Độ sẽ cùng trao đổi với nhau những thông tin liên quan đến ngành điều, như dự báo về sản lượng, các thống kê liên quan đến năng suất, xuất khẩu, nhập khẩu, thông tin thị trường và các chính sách của chính phủ. Hai bên sẽ cùng nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là những nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khoẻ của hạt điều, phát triển sản phẩm. Hai bên cũng dự định sẽ thành lập một uỷ ban để đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế về hạt điều, từ đó khích lệ tiêu thụ điều trên toàn cầu.
Sản lượng điều Việt Nam tăng rất nhanh, từ 28.000 tấn năm 1990 lên 350.000 tấn hiện nay, trở thành nước có sản lượng điều thô lớn thứ 2 thế giới. Việt Nam đã xuất khẩu 127.000 tấn điều nhân trị giá 505 triệu USD trong năm 2006, tăng lần lượt 16,5% và 0,6% so với năm trước. Sản lượng điều thô Việt Nam năm 2006 giảm 70.000 tấn so với năm trước, xuống 280.000 tấn, xong xuất khẩu vẫn tăng vì Việt Nam đã nhập khẩu điều thô từ châu Phi để chiến biến. Việt Nam có 350.000 hécta trồng điều tính tới 2005, có kế hoạch tăng diện tích điều lên 450.000 hécta vào 2010. Việt Nam đặt mục tiêu tăng sản lượng điều lên 500.000 tấn vào năm 2010, và xuất khẩu đạt trị giá 700 triệu USD vào 2007 và 1 tỷ USD vào 2010, so với khoảng 505 triệu USD hiện nay. Những thị trường chính tiêu thụ điều nhân xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ (41%), Trung Quốc (22%) và châu Âu (21%).
Mặc dù giá đang bấp bênh, xong dự báo giá điều thô và điều nhân sẽ đều tăng trong năm 2007 sau năm 2006 mất mùa ở nhiều nơi. Nhu cầu điều nhân của người tiêu dùng đang ngày càng tăng và đã tăng khoảng 5-10% trong 3 năm qua. Hiện nhu cầu điều nhân toàn cầu vào khoảng 350.000 tấn, tức là cung/cầu không chênh nhau bao nhiêu.