Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ô nhiễm ở các khu công nghiệp miền Trung
29 | 08 | 2007
Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực kinh tế động lực của miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định) đã có khoảng 20 khu công nghiệp được xây dựng và thu hút gần 500 dự án.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho miền Trung chậm phát triển. Thế nhưng cùng với việc phát triển nhanh các khu công nghiệp (KCN) thì môi trường nơi đây cũng đang trong tình trạng báo động bởi nạn ô nhiễm nặng nề do chất thải từ các nhà máy.

Đà Nẵng: Sống chung với ô nhiễm

Vụ lúa đông xuân năm nay hơn 120 ha ruộng của phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) không thể gieo cấy được vì ô nhiễm.

Hơn 400 hộ nông dân ở các đội sản xuất Hòa Hiệp ngao ngán trước tình trạng lúa cấy xuống bị héo rũ vì nguồn nước thải của KCN Hòa Khánh tràn ra các thửa ruộng.

* Đà Nẵng có sáu KCN tập trung có tổng diện tích qui hoạch 1.500 ha với 290 DN, trong đó có 200 DN đang hoạt động.

Khi các KCN được lấp đầy và các dự án đi vào hoạt động thì cũng là lúc Đà Nẵng nhận ra những gánh nặng về vấn đề môi trường nước thải, khí thải, chất thải.

Và điều đáng lo ngại nhất là tại sáu KCN chỉ mới có KCN Hòa Khánh có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng đang trong giai đoạn vận hành thử.

Kết quả kiểm tra thực địa tại các KCN cho thấy chất thải là rất lớn và phức tạp.

Trong số 290 dự án đầu tư tại các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ có khoảng 45% số dự án lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

* Ông Lê Hồng Hà, phó BQL các KCN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Thực trạng ô nhiễm môi trường trong KCN Quảng Phú đang là vấn đề hết sức bức xúc trong nhiều năm qua.

Theo qui định các nhà máy phải xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn loại B trước khi thải ra môi trường, nhưng không mấy nhà máy thực hiện.

Trong đó đáng chú ý là Nhà máy chế biến giấy Hải Phương luôn vi phạm ô nhiễm môi trường và đã nhiều lần bị phạt hành chính.

Còn hệ thống xử lý nước thải chung trong KCN đã được đề cập từ năm 2001, với nguồn kinh phí trên 25 tỉ đồng nhưng chưa được triển khai với lý do chưa có kinh phí.

Gần hai tháng nay, căn bệnh ngứa rồi lở loét chân tay bùng phát mạnh ở các đội sản xuất Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu).

Ông Huỳnh Thanh Sơn, bí thư chi bộ thôn Xuân Thiều, phân trần: Dân ở đây chỉ cần lội xuống ruộng một buổi là y như rằng sau đó chân tay nứt nẻ vì ghẻ ngứa.

Ông Trương Tỏa ở đội 5 cả hai bàn tay và chân đều xù xì những vết nứt đỏ loét suốt nửa tháng nay nằm bẹp gí trên giường.

Mấy sào ruộng của gia đình ông đành bỏ hoang cho cỏ mọc. Bà Trần Thị Bảy (52 tuổi) ở đội 1 cũng lâm vào tình cảnh như vậy.

“Biết lội ruộng thì ngứa ngáy rồi ghẻ lở, nhưng tụi tui là nông dân, không làm ruộng thì còn biết làm gì sống”.

Ông Bùi Văn Quốc - chủ tịch phường - cho hay vụ đông xuân này hơn 2/3 diện tích lúa của gần 400 hộ bị hư hại vì ngâm trong nước thải đen ngòm, cầm chắc nhiều hộ sẽ bị thiếu đói vào lúc giáp hạt.

“Không có nước nơi nào đen và hôi bằng nơi đây” - ông Nguyễn Ý, một nông dân ở phường Hòa Hiệp, nói.

Trước đây nước giếng trong vắt chứ không đục nhờ nhờ như thế này. Từ ngày KCN Hòa Khánh hình thành, toàn bộ đất trên cánh đồng Gia Tròn, đồng Phở, đồng Cửa nằm sát hồ Bàu Tràm bị nước thải của Nhà máy sản xuất giấy Wei Sen Xin làm ô nhiễm.

Nước thải chảy tràn lâu ngày thấm sâu vào đất khiến đất chuyển sang màu đen đục, mùi hôi thối quánh đặc trong không khí.

“Không chịu nổi nên chúng tôi kiến nghị với chính quyền, nhưng chỉ được vài ba bữa rồi đâu lại vào đó” - ông Bùi Minh Kiểm (ở đội 4) than thở.

Theo ông Kiểm, chỉ trong hai năm qua trong xóm đã có chín người chết vì bệnh ung thư. Không biết có phải do ảnh hưởng của việc ô nhiễm từ nước thải của KCN không, nhưng cứ mỗi lần nước thải tràn ra đồng là y như rằng gà, vịt của các hộ dân trong xóm lăn ra chết như ngả rạ.

Các ao nuôi tôm nước lợ thì tôm chết nổi đỏ cả mặt ao. Nguồn lợi thủy sản trên sông Cu Đê nay bị nước thải KCN hủy diệt môi trường sống của các loài tôm cá.

Khoảng ba tháng nay, trước phản ứng gay gắt của cư dân khu vực Thủy Tú, Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc), Công ty ximăng Hải Vân (thuộc KCN Liên Chiểu) tạm ngưng thải bụi ximăng vào giờ hành chính trong ngày.

Nhưng cứ tầm từ 7h tối đến khoảng 5h sáng hôm sau, quanh khu vực này bụi lại bay mù mịt.

Buổi tối có việc phải ra ngoài, dù có đèn đường chiếu sáng nhưng người dân khu vực này vẫn không thể nhìn rõ lối đi. Không khí còn đặc quánh hơn ban ngày vì nồng độ bụi tăng cao.

Bụi không chỉ phủ trắng trên những mái nhà, khung cửa, vật dụng trong các hộ gia đình xung quanh mà toàn bộ cây xanh trồng ở khu vực này đều bị bụi ximăng nhuộm một màu trắng đục.

Người dân của tổ 60, phường Hòa Hiệp cho biết họ ăn, ngủ với bụi ximăng từ hơn một năm nay.

Và không chỉ có Nhà máy ximăng Hải Vân thải bụi, Nhà máy Thép Đà Nẵng ở gần đó cũng mặc nhiên xả mạt sắt thép ra ngoài khiến không khí ở đây càng đặc quánh lại.

“Mỗi lần nhà máy này xả mạt ra cả khu vực đen đặc như sương mù” - ông Thái Thanh Hùng, cư trú tại số nhà 14 đường Nguyễn Phúc Chu, cho hay.

Không còn cách nào khác, cư dân tại đây đã phải trang bị cho mình hệ thống khẩu trang đeo kín mặt lẫn đầu để sống chung với ô nhiễm.

“Đã quá nhiều lần bà con chúng tôi gửi đơn kêu cứu đến chính quyền thành phố nhưng tình hình đâu lại vào đấy. Người già, trẻ con cứ đến tối là nặng đầu, khó thở”.

Đáng ngại nhất là hai trường tiểu học và mầm non với gần 1.000 học sinh nằm trong vùng bụi thải của hai nhà máy Ximăng Hải Vân và Thép Đà Nẵng.

Quảng Nam: Rác công nghiệp hành hạ người dân

Với hơn 34 nhà máy đã và đang đưa vào hoạt động, KCN Điện Nam - Điện Ngọc được xem là KCN lớn nhất và là niềm tự hào về phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Nam.

Và KCN này cũng đang nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở miền Trung. Bởi vì, cũng như nhiều KCN khác ở miền Trung, KCN này vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Và hiển nhiên, tất thảy những gì thải ra ở KCN này người dân xung quanh phải gánh chịu.

Trăm nghe không bằng một thấy. Chúng tôi thử tìm tới thôn Ngân Trung vào ngày Nhà máy bia Larger khởi động sản xuất mẻ bia đầu tiên sau những ngày nghỉ tết.

Mới dừng xe ở con hẻm dẫn vào thôn đã nghe mùi khăm khẳm khó chịu quánh đặc trong không khí.

Trước đây do nhu cầu phát triển công nghiệp, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào các KCN nên chúng tôi chưa thật sự quan tâm đến việc chất thải công nghiệp làm ô nhiễm môi trường.

Nhưng qua thực tế những năm gần đây mới nhận ra rằng do thu hút ồ ạt các dự án đầu tư, không coi trọng đến việc xử lý chất thải ở các doanh nghiệp có mức độ ô nhiễm môi trường cao nên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của cư dân.

Và để khắc phục tình trạng này, một mặt có biện pháp nghiêm với các doanh nghiệp vi phạm, mặt khác chúng tôi sẽ không tiếp tục cấp phép đầu tư cho các dự án có ảnh hưởng đến môi trường như sản xuất ximăng, sắt, thép, giấy, điện và một số ngành nghề sản xuất có mức độ ô nhiễm môi trường cao.

Năm 2007 này, TP Đà Nẵng chọn làm năm môi trường. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN được đặt lên hàng đầu.

Chúng tôi sẽ tập trung hết sức cho việc xử lý ô nhiễm và kiên quyết không để tình trạng này tái diễn.

(Ông Trần Văn Minh (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng)

Càng đi vào sát khu vực nhà máy bia, mùi hôi càng nồng nặc. Mặc dù đã trùm khẩu trang kín mặt nhưng mùi hôi vẫn xộc vào tận óc.

Mới chỉ loanh quanh trong xóm chừng 15 phút, tôi đã thấy đầu óc choáng váng, muốn ói. Cụ Phùng Thành (78 tuổi) - cư dân lâu đời của thôn Ngân Trung - nói như phân bua:

“Ai mới tới đây cũng không chịu nổi. Vậy mà tụi tui phải hít thở cái mùi hôi thối ấy suốt ngày. Cách đây ba năm, không chịu nổi sự ô nhiễm từ hầm xử lý hèm bia của nhà máy, tụi tui dọa sẽ phá không cho nhà máy sản xuất.

Sau đó có một cán bộ của nhà máy đem ra tặng mấy hộ gần tường rào nhà máy bộ ly uống nước để xoa dịu. Từ dạo ấy đến nay mọi chuyện vẫn y như cũ. Không thấy ai nói năng gì dù đơn kiến nghị tụi tui gửi đi hàng đống”.

Anh Trần Duy Thiệt, cán bộ xã Điện Ngọc, cho biết đã hơn sáu năm nay trên 200 hộ dân của thôn Ngân Trung khổ sở quanh năm suốt tháng vì đủ thứ chất thải từ KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Anh Phùng Lợi - cư dân của tổ 2 - bức xúc:

“Từ khi KCN này đi vào hoạt động thì dân tui ăn không ngon, ngủ không yên. Người trong nhà cả ngày không nhìn thấy mặt nhau bởi lúc nào cũng sùm sụp cái khẩu trang. Những ngày nắng nóng, gió nồm thổi từ biển vào càng đưa mùi hôi thối đi xa, đến tận những khu dân cư cách KCN hàng cây số”.

Sau hơn sáu năm hoạt động, các nhà máy tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc chẳng được cơ quan chức năng nào giám sát chất thải được xử lý như thế nào. Và toàn bộ chất thải, kể cả rắn, khí, lỏng đều tự do thải ra ngoài môi trường.

Con mương dẫn nước thải của KCN chảy tự do ra sông Ngân Hà, làm dòng sông trong xanh từ bao đời nay trở nên đen kịt.

Cá tôm chết tiệt. Trạm bơm Tứ Câu gần như ngừng hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm không thể tưới tiêu cho gần 200 ha ruộng của Điện Ngọc 1, Điện Ngọc 2.

Khi được hỏi về việc xử lý chất thải, hầu hết giám đốc các nhà máy tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc đều từ chối trả lời.

Họ nại lý do chẳng có cơ quan chức năng nào đặt vấn đề với nhà máy về xử lý chất thải nên nín được ngày nào hay ngày ấy. Tất cả đều trông chờ tỉnh đầu tư ngân sách xây dựng nhà máy xử lý chất thải tập trung của KCN.

Quảng Ngãi: Sông Trà Khúc và kênh Bầu Lăng đang chết dần

Hàng chục hộ dân đang sống gần KCN Quảng Phú (thành phố Quảng Ngãi) nhiều năm nay phải khốn khổ vì chất thải của các nhà máy trong KCN này thải ra môi trường.

Điều đáng nói là từ khi hình thành đến nay, KCN này không có một hệ thống xử lý môi trường chung theo qui định.

Anh Nguyễn Tấn Thành ở tổ 23, phường Quảng Phú, nói: hơn năm năm nay, từ khi các nhà máy đi vào hoạt động thì cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn vì ô nhiễm, không chỉ có mùi thối của các chất thải mà nguồn nước giếng sinh hoạt cũng không sử dụng được.

Gia đình anh là một trong số những hộ dân phải được di dời do nằm trong khu vực bị ô nhiễm, thế nhưng đã năm năm rồi anh không thấy ai đả động tới việc di dời.

“Nhiều lúc muốn bỏ nhà đi quách cho đỡ khổ nhưng đi thì không được bởi tiền đâu mà mua đất, làm nhà?”.

Còn chị Bùi Thị Trang ở chung phường cho biết ngày nào cũng vậy, ban ngày cả nhà chị không ai dám về nhà, buổi tối về nhưng phải đóng kín cửa.

KCN Quảng Phú được chính thức hoạt động từ đầu năm 2000 và đến nay đã thu hút trên 24 dự án sản xuất lâm sản, thủy sản, phân bón, bao bì, giấy, v.v...

Đây là KCN lớn nhất của Quảng Ngãi, thế nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay KCN này chưa có hệ thống xử lý nước thải chung, nên các nhà máy đã xả chất thải ra kênh Bầu Lăng.

Trước đây người dân dùng nước kênh để sinh hoạt sản xuất, nhưng bây giờ nguồn nước trở nên đen ngòm và hôi thối.

Ngoài kênh Bầu Lăng thì sông Trà Khúc cũng chung số phận, bởi một số nhà máy của Công ty Đường Quảng Ngãi đã đưa chất thải trực tiếp ra sông.

Nhiều lần cá trên sông Trà Khúc bị chết nổi trắng dòng do ô nhiễm.

Kết quả quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Ngãi mới đây cho thấy nước thải KCN Quảng Phú vượt tiêu chuẩn cho phép (về các chỉ tiêu COD, BOD, dầu, SS, CN), trong đó đáng chú ý là chỉ tiêu CN - chất có mức độc hại cao gây nguy hiểm đến đời sống của thủy sinh vật cũng như con người.

Đã đến lúc chúng ta cần cương quyết hơn trong qui trình cấp phép hoạt động đối với doanh nghiệp trong các KCN.

Thực tế trong thời gian qua có những nhà máy không thông qua thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn môi trường mà cũng được cấp giấy phép hoạt động tại KCN.

Qui trình cấp giấy phép hoạt động cần bảo đảm về các điều kiện; cần đầu tư một cách nghiêm túc các trạm quan trắc môi trường, đầu tư các công nghệ hợp lý để vừa bảo vệ được môi trường, vừa phục vụ tốt sản xuất của doanh nghiệp.

Giải pháp tuyên truyền, giáo dục cũng mang tính cấp thiết để thông tin kịp thời đến doanh nghiệp thực trạng của môi trường nơi họ đang làm việc, mặt khác để cảnh báo cho họ nguy cơ ô nhiễm do chính họ tạo ra.

Vai trò của giám sát môi trường hết sức quan trọng, một mặt giúp doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh sản xuất và thực hiện nghiêm Luật BVMT, đồng thời giúp cơ quan quản lý môi trường địa phương nắm rõ diễn biến môi trường.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm ở các KCN là do địa phương không coi trọng công tác giám sát môi trường.

Vì vậy, theo tôi, cần tăng cường việc thanh tra, giám sát các nhà máy trong KCN về việc thực hiện Luật BVMT. Nếu phát hiện nhà máy không chấp hành luật thì phải có biện pháp cứng rắn ngay, chứ lâu nay chúng ta thường nhân nhượng.

Ngày 18/1/2007, tại Hà Nội, phiên họp toàn thể của Nhóm hỗ trợ quốc tế về tài nguyên và môi trường đã khẳng định nếu doanh nghiệp nào gây ô nhiễm thì dứt khoát các tổ chức quốc tế sẽ cương quyết không tài trợ.

PGS.TS Lê Văn Thăng (Giám đốc Trung tâm Tài nguyên - Môi trường và công nghệ sinh học, Đại học Huế)



Theo Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường