|
Lễ công bố Xuất khẩu chôm chôm của Việt Nam sang New Zealand, ngày 10/4. (Ảnh: PV/vietnam+) |
Sau xoài và thanh long, chôm chôm là loại trái cây thứ ba được xuất khẩu sang thị trường New Zealand.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hai nước đã chính thức ký kết Chương trình đảm bảo xuất khẩu chôm chôm. Cụ thể, chôm chôm trồng tại vườn phải lập hồ sơ đăng ký và Cục Bảo vệ thực vật sẽ cấp mã số sau khi đáp ứng các biện pháp canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo quy trình đúng quy định và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách).
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu của phía bạn về đóng gói và ghi nhãn, các cơ sở đóng gói sẽ phải đăng ký để có mã số cấp từ Cục Bảo vệ thực vật.
|
Người nông dân thu hoạch chôm chôm. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật cũng kiểm soát và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cho các cơ sở chiếu xạ, mục đích đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xử lý đối với chôm chôm xuất khẩu đi New Zealand.
Mỗi lô hàng trước khi xuất cảng sẽ được cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp Giấp chứng nhận kiểm dịch thực vật và đảm bảo đáp ứng quy định của New Zealand trong đó đảm bảo không bị nhiễm các loài sinh vật gây hại đồng thời được chiếu xạ với liều tối thiểu 150 Gray và đối đa không quá 1.000 Gray.
Tại buổi lễ, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những hỗ trợ New Zealand trong việc hợp tác phát triển các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao trong thời gian qua, (như Dự án Phát triển giống trái cây mới giá trị cao tại tỉnh Tiền Giang, Dự án rau an toàn tại tỉnh Bình Định, Chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên môn cho các cán bộ ngành nông nghiệp).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức tới New Zealand (ngày 12-14/3). Thủ tướng hai nước đã hội đàm và thống nhất những phương hướng phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên.
Theo đó, nhiều biện pháp xúc tiến thương mại sẽ được thúc đẩy, trong đó ngành hàng nông - thủy sản là một trong những mục tiêu ưu tiên, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt phấn đấu 1,7-2 tỷ USD vào năm 2020.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews chia sẻ, New Zealand có một nền kinh tế nông nghiệp hiệu phát triển, có kỹ thuật sản xuất và công nghệ tiên tiến với sản phẩm an toàn, chất lượng cao và thơm ngon.
“Trong chuyến thăm chính thức New Zealand vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khuyến khích tăng trưởng thương mại hai chiều, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Điều này mở ra cơ hội để New Zealand hợp tác, hỗ trợ và tham gia vào chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam,” bà Wendy Matthews nói.
Theo Vietnam+