Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Indonesia và Philippines là các động lực nhập khẩu gạo lớn tại châu Á năm 2018
30 | 04 | 2018
Trong báo cáo mới nhất, FAO dự báo các nước châu Á sẽ tiếp tục hoạt động sôi động trên thị trường gạo thế giới, tăng nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp lên 23 triệu tấn, so với mức nhập khẩu ước tính năm 2017 của châu Á là 22,4 triệu tấn, với phần lớn dự báo tăng nhập khẩu tập trung vào Indonesia.

Nhập khẩu gạo của Indonesia được dự báo sẽ tăng vọt từ mức thấp nhất trong 8 năm là 400.000 tấn năm 2017 lên 1,5 triệu tấn trong năm 2018. Mặc dù các nhà chức trách Indonesia vẫn liên tục cam kết mục tiêu đảm bảo tự cung tự cấp gạo, từ năm 2017, các nỗ lực của chính phủ Indonesia trong hoạt động thu mua lúa gạo nội địa cho các kho dự trữ chính phủ và các chương trình phúc lợi lại không mấy thành công do giá thu mua của chính phủ thường thấp hơn giá thị trường. Tình trạng này diễn ra bất chấp việc Bulog tăng 10 – 20% giá thu mua thực tế so với giá định trước. Đồng thời, sản lượng thu hoạch lúa mùa năm 2017 giảm càng khiến áp lực tăng giá mạnh thêm đối với gạo chất lượng trung bình, càng khiến Bulog cần tới các nguồn cung bổ sung để can thiệp vào thị trường. Với diễn biến này và các cải cách hệ thống phúc lợi có thể làm giảm lượng gạo phân bổ nội địa trong năm 2018, Bulog đang tích cực ký các hợp đồng nhập khẩu từ tháng 1/2018, đặt ra các ngoại lệ cho quy định không nhập khẩu gạo trước và trong giai đoạn thu hoạch rộ.

Kế tiếp Indonesia, phần lớn dự báo tăng nhập khẩu gạo châu Á của FAO tập trung vào Philippines, với lượng nhập khẩu gạo dự báo lên tới 1,4 triệu tấn trong năm 2018, tăng gần 400.000 tấn so với năm 2017. Tương đồng với Indonesia, dự báo tăng này chủ yếu phản ánh nhập khẩu gạo G2G tăng để bù đắp kho dự trữ gạo chính phủ đang cạn kiệt, giảm tới 89% tính đến 1/3/2018 so với cùng kỳ năm 2017, xuống chỉ còn 43.500 tấn. Các yếu tố này buộc các nhà chức trách Philippines phải ủy quyền tổ chức đấu thầu nhập khẩu gạo G2G trong tháng 4/2018 cho NFA, với lượng mua 250.000 tấn. Tuy nhiên, đợt đấu thầu tổ chức tuần vừa qua thất bại và NFA dự kiến sẽ tổ chức lại ngay đấu thầu trong tuần này.

Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, FAO dự báo nhập khẩu gạo của nước này sẽ tăng 300.000 tấn, cũng chủ yếu thông qua nhập khẩu gạo G2G và giảm thuế nhập khẩu – cả hai động thái đều nhằm hạ nhiệt giá gạo nội địa. Đồng thời, FAO cũng nâng dự báo nhập khẩu gạo của Saudi Arabia và Iraq lên lần lượt 1,2 triệu vấn và 1,1 triệu tấn, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Nhập khẩu gạo của Malaysia được dự báo đạt 1 triệu tấn.

Trong khi đó, nhập khẩu gạo của Hàn Quốc và Nhật Bản được cho là sẽ vẫn chủ yếu nằm trong khuôn khổ các cam kết WTO, với lượng nhập khẩu lần lượt đạt 420.000 tấn và 700.000 tấn. Nhập khẩu gạo của Trung Quốc duy trì 5,9 triệu tấn, chủ yếu là do giá gạo nội địa Trung Quốc vẫn cao hơn các nước láng giềng.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tại các khu vực khác của châu Á dự báo giảm trong năm 2018 so với năm 2017, ngay cả khi trong nhiều trường hợp, các chính sách thuận lợi hóa nhập khẩu hoặc giá gạo nội địa cao có thể duy trì hoạt động nhập khẩu của các nước này cao hơn nhiều so với năm 2016 nhưng thấp hơn năm 2017. Hai trường hợp điển hình nhất là Bangladesh và Sri Lanka – hai nước có sản xuất lúa gạo nội địa dự báo tăng trong năm 2018, nhưng nhập khẩu gạo vẫn sẽ cao so với năm 2016. Dù vậy, các nhà quan sát vẫn đặt câu hỏi về việc liệu chính phủ hai nước này có hủy các hợp đồng trên thị trường quốc tế như từng xảy ra trong năm 2017 hay họ sẽ duy trì hoạt động nhập khẩu bất chấp sản lượng gạo nội địa tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp của Bangladesh, tồn kho gạo chính phủ được báo cáo đã quay trở lại và cao hơn mức thông thường 1 triệu tấn tính đến cuối tháng 3/2018 nhờ các hợp đồng nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 và hoạt động thu mua lúa vụ chính có thể đạt mức gấp 2 lần mục tiêu đề ra. Tồn kho gạo chính phủ dồi dào có thể khuyến khích chính phủ nối lại các chương trình phân phối lương thực thực phẩm cho phúc lợi xã hội. Dựa trên các dự báo hiện nay về sản xuất và thương mại tới hết quý 1/2018, nhập khẩu gạo của Bangladesh dự báo giảm từ 2,4 triệu tấn năm 2017 xuống còn 1,8 triệu tấn năm 2018, trong khi nhập khẩu gạo của Sri Lanka dự báo giảm 33% xuống còn 500.000 tấn.

Theo FAO (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường