Thương mại gạo toàn cầu năm 2017 tăng 11%
Sau khi FAO nâng 1,2 triệu tấn so với dự báo công bố hồi tháng 10, thương mại gạo toàn cầu năm 2017 hiện được dự báo sẽ tăng 11% sov ới năm 2016, lên mức cao kỷ lục 46,2 triệu tấn. Triển vọng thương mại gạo toàn cầu tăng chủ yếu do dự báo nhập khẩu gạo của châu Á tăng 15% lên 21,8 triệu tấn.
Bangladesh sẽ chiếm phần lớn điều chỉnh tăng nhập khẩu gạo châu Á, tăng vọt 2,1 triệu tấn so với năm 2016, sau khi hàng loạt đợt lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất lúa gạo cảu nước này. Đồng thời, nhập khẩu gạo của Iran, Iraq, Philippines và Sri Lanka cũng tăng trong năm 2017, bù đắp suy giảm nhập khẩu của Indonesia.
Tại châu Phi, nhập khẩu gạo năm 2017 dự báo tăng 12% lên mức cao kỷ lục 16 triệu tấn, chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ những nước Tây Phi, đặc biệt là Nigeria và Senegal, cùng với nhập khẩu tăng của Madagascar do hạn hán. Đồng thời, FAO cũng điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu gạo của Brazil, Haiti, Mexico và Peru. Nhập khẩu gạo của khu vực Mỹ Latin và Caribbean tăng 2% so với năm 2016 lên 4,3 triệu tấn do giá gạo quốc tế hấp dẫn. Các luồng thương mại gạo sang châu Âu, Mỹ và châu Đại dương duy trì ổn định trong năm 2017.
Về phía xuất khẩu, FAO điều chỉnh tăng mạnh nhất đối với xuất khẩu gạo của Myanmar do giá gạo của nước này cạnh tranh tốt và nhu cầu cao của Trung Quốc trong thương mại mậu biên giữa hai nước, với lượng xuất khẩu dự báo cao kỷ lục 2,7 triệu tấn trong năm 2017. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy xuất khẩu gạo Ấn Độ cũng sẽ đạt kỷ lục mới trong năm 2017, củng cố vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới của nước này trong năm thứ 6 liên tiếp, dự báo đạt 11,8 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo của Trung Quốc Thái Lan, Việt Nam và Mỹ cũng được dự báo tăng, mặc dù thấp hơn dự báo của FAO hồi tháng 10. Cộng với xuất khẩu tăng từ EU và Uruguay, kim ngạch xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ tăng mạnh hơn mức giảm xuất khẩu của Argentina, Brazil, Ai Cập, Pakistan và Paraguay.
Triển vọng nhu cầu gạo châu Á năm 2018 tích cực
Nhìn chung, các nước châu Á được dự báo sẽ nhập khẩu 22 triệu tấn gạo trong năm 2018, so với mức 21,8 triệu tấn năm 2017. FAO dự báo nhập khẩu gạo tăng tại các nước Indonesia, Philippines và Saudi Arabia. Nhập khẩu gạo của Indonesia và Philippines được dự báo do chính phủ các nước này phải tăng cường các kho dự trữ gạo phục vụ cho các chính sách phân phối công. Mặc dù vậy, mức nhập khẩu gạo của Indonesia năm 2018 dự báo đạt 750.000 tấn, vẫn là mức tương đối hạn chế do chính phủ nước này vẫn không giảm tham vọng tự cung tự cấp gạo và các động thái chính sách theo hướng tăng hỗ trợ thực phẩm theo tem phiếu.
Sau 2 năm suy giảm nhập khẩu lẫn sản xuất nội địa, nhập khẩu gạo năm 2018 của Saudi Arabia dự báo đạt 1,4 triệu tấn, tăng so với mức 1,2 triệu tấn trong năm 2017. Nhập khẩu gạo của Iraq cũng được nâng lên 1,2 triệu tấn trong năm 2018 do sản xuất nội địa thấp hơn trung bình dài hạn và dự trữ giảm, khiến nguồn cung suy yếu. Sản xuất nội địa giảm cũng được cho là sẽ thúc đẩy nhập khẩu gạo của Afghanistan và Nepal trong năm 2018. FAO cũng điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu gạo cho Hàn Quốc, Malaysia và UAE.
Tăng nhập khẩu gạo tại các thị trường trên sẽ bù đắp suy giảm nhập khẩu gạo của Bangladesh và Sri Lanka khi sản xuất gạo của hai nước này trong năm 2018 được dự báo sẽ diễn ra bình thường. Nhập khẩu gạo năm 2018 của Bangladesh và Sri Lanka được dự báo lần lượt giảm xuống còn 1,4 triệu tấn và 500.000 tấn. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, mức nhập khẩu này vẫn cao hơn nhiều so với mức nhập khẩu thông thường tại cả hai nước, do vấn đề khan hiếm nguồn cung tiếp tục còn dai dẳng trước khi vụ thu hoạch chính diễn ra trong nửa cuối năm 2018. Hơn nữa, tính đến cuối tháng 11, dự trữ gạo quốc gia của Bangladesh vẫn dưới 400.000 tấn, so với mức 1,2 triệu tấn dự trữ trong cùng kỳ năm 2014 và 2015. Mức dự trữ thấp bất chấp hàng loạt các thỏa thuận nhập khẩu gạo mà nước này đạt được trong năm 2017, một phần dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2018.
Tại Trung Quốc đại lục, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, FAO dự báo nhập khẩu gạo năm 2018 sẽ duy trì ổn định ở mức 5,8 triệu tấn do chênh lệch giá gạo nội địa Trung Quốc và giá gạo của các nước láng giềng tiếp tục duy trì ở mức cao. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng giữ nguyên mức hạn ngạch nhập khẩu thuế ở mức 5,32 triệu tấn trong năm 2018. Lượng gạo nhập khẩu theo hạn ngạch ngày được chia đều giữa hai loại gạo Indica và Japonica, với các doanh nghiệp nhà nước chiếm 50% tỷ trọng hạn ngạch được giao.
Sau khi đạt mức nhập khẩu gạo cao kỷ lục 16 triệu tấn trong năm 2017, nhập khẩu gạo của châu Phi năm 2018 được dự báo giảm 2% trong năm 2018, xuống còn 15,6 triệu tấn. Suy giảm nhập khẩu tại châu Phi tập trung tại các thị trường Senegal, Guinea, Mali và Sierra Leone.
Tại các khu vực khác, nhập khẩu gạo năm 2018 của EU cũng được dự báo đi ngang, đạt 1,8 triệu tấn. Đồng thời, USDA cũng dự báo nhập khẩu gạo của Mỹ năm 2018 sẽ đạt khoảng 760.000 tấn. Tuy nhiên, tại EU, thị trường vẫn đang theo dõi tác động của chính sách hạ dư lượng tối đa đối với Tricyclazole3 xuống 0.01 mg/kg tới xuất khẩu gạo basmati. Tháng 11/2017, chính phủ Ý cũng đã đệ trình yêu cầu chính thức về vấn đề xem xét lại Thỏa thuận Tất cả trừ vũ khí với Campuchia và Myanmar, theo đó, các nước này được hưởng quyền xuất khẩu không hạn ngạch và phi thuế sang thị trường EU.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ và Thái Lan giảm, Việt Nam tăng trong năm 2018
Ấn Độ và Thái Lan được dự báo tiếp tục giữ vững ngôi vị nước xuất khẩu gạo số 1 và số 2 trong năm 2018, ngay cả khi kim ngạch xuất khẩu gạo của hai nước này đều được dự báo giảm so với năm 2017.
Do sản xuất gạo basmati giảm và triển vọng nhu cầu gạo của thị trường Nam Á cũng yếu đi, FAO dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 của Ấn Đọ giảm 8% so với năm 2017 xuống còn 10,8 triệu tấn. FAO cũng dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2018 giảm 750.000 tấn so với năm 2017, xuống còn 10,3 triệu tấn, chủ yếu do dự trữ gạo đủ chất lượng làm thực phẩm của chính phủ cạn kiệt, có thể làm gia tăng cuộc cạnh tranh với các nhà cung cấp khác tại châu Á, đặc biệt là trong các phân khúc gạo cấp thấp hơn.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2018 được dự báo tăng, chủ yếu do sự phục hồi của các thị trường truyền thống là Philippines và Indonesia. Dù còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất gạo năm 2018, FAO dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt 7,2 triệu tấn trong năm tới, so với kim ngạch 6,6 triệu tấn trong năm 2017.
Xuất khẩu gạo Pakistan năm 2018 được dự báo tăng 500.000 tấn lên 4,1 triệu tấn nhờ sản xuất nội địa bội thu. FAO dự báo xuất khẩu gạo Campuchia sang Trung Quốc tăng trong năm 2018, sau khi Trung Quốc nới rộng hạn ngạch nhập khẩu gạo năm 2018 đối với Campuchia lên 300.000 tấn.
Với nguồn cung gạo khả dụng xuất khẩu dự báo dồi dào, xuất khẩu gạo của Myanmar và Trung Quốc năm 2018 được dự báo đạt lần lượt 2,8 triệu tấn và 1,4 triệu tại. Tại Myanmar, các nguồn tin ngành gạo cho hay khuynh hướng xuất khẩu lúa sang Trung Quốc đại lục vẫn tiếp diễn mạnh. Do Myanmar cấm xuất khẩu lúa, diễn biến này sẽ dần dần gây được sự chú ý đối với các nhà chức trách.
Theo FAO (gappingworld.com)