Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu chuẩn kép của chính sách thương mại Mỹ đối với Trung Quốc
15 | 05 | 2018
Một phái đoàn thương mại cấp cao của Mỹ đã trở về tay trắng từ Trung Quốc. Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên, xét đến mức độ và bản chất đơn phương trong các yêu cầu của Mỹ. Người Mỹ đang thúc ép một cuộc cải tổ toàn diện các chính sách công nghiệp và các quy định về tài sản trí tuệ của Trung Quốc, đồng thời đòi hỏi chính phủ Trung Quốc kìm chế các hành động chống lại chính sách thuế đơn phương theo đề xuất của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc.

Đây không phải cuộc chiến thương mại đầu tiên của Mỹ với Trung Quốc và sẽ không phải là cuối cùng. Trật tự thương mại toàn cầu thế hệ trước – từ khi thành lập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO năm 1995 – đã xác lập trên giả định rằng các thể chế chính sách khắp thế giới sẽ xích lại gần nhau. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ trở nên “Tây” hơn về cách quản trị nền kinh tế. Thay vào đó, sự phân cực của các hệ thống kinh tế vẫn tiếp diễn và là mảnh đất màu mỡ cho các tranh chấp thương mại.

Có những nền tảng hợp lý cho Trung Quốc – và các nền kinh tế khác – chống lại áp lực tuân phục cái khuôn mẫu áp đặt lên họ bởi các hoạt động vận động hành lang xuất khẩu sang Mỹ. Cuối cùng, sự thành công thần kỳ về toàn cầu hóa của Trung Quốc nhờ vào các chính sách công nghiệp sáng tạo và không chính thống của nước này khi tự do hóa nền kinh tế. Bảo hộ có chọn lọc, trợ cấp tín dụng, doanh nghiệp sở hữu nhà nước, quy định về tỷ lệ nội địa hóa, và các yêu cầu về chuyển giao công nghệ đều đóng vai trò đưa Trung Quốc trở thành một trung tâm sản xuất quyền lực. Chiến lược hiện nay của Trung Quốc, sáng kiến “Made in China 2025”, đặt mục tiêu xây dựng dựa trên các thành tựu này để đưa nước này lên bệ phóng trở thành nền kinh tế phát triển.

Thực tế là nhiều chính sách của Trung Quốc vi phạm các quy định WTO rõ rệt. Nhưng những người chế nhạo Trung Quốc “gian lận thương mại” nên nghiền ngẫm xem liệu Trung Quốc có thể đa dạng hóa nền kinh tế và tăng trưởng nhanh đến vậy nếu trở thành thành viên của WTO trước năm 2001, hoặc nếu nước này khúm núm mù quáng tuân thủ các quy định của WTO. Mỉa mai thay là rất nhiều trong số những người bình luận trên sẽ không ngần ngại chỉ ra Trung Quốc là biểu tượng tích cực của toàn cầu hóa – dễ dàng quên đi rằng ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã miệt thị chính các quy tắc thời thượng của kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc chơi trò toàn cầu hóa bằng cái chúng ta gọi là các quy tắc Bretton Woods, sau khi cái quy tắc cổ lỗ này đã thống trị kinh tế thế giới từ hồi đầu giai đoạn hậu chiến. Như một nhà chức trách Trung Quốc từng giải thích, chiến lược này mở ra cách cửa sổ nhưng đặt một bộ lọc vào đó. Họ tiếp nhận luồng gió mát lành (đầu tư nước ngoài và công nghệ), đồng thời để ngoài cửa những luồng gió độc (các luồng vốn biến động bất ổn và nhập khẩu có hại).

Thực tế, các thực hành của Trung Quốc không khác biệt nhiều so với những gì tất cả các nước phát triển hiện nay từng làm khi họ guồng chân chạy đuổi kịp nhau. Một trong những cáo buộc chính của Mỹ đối với Trung Quốc là Trung Quốc vi phạm có hệ thống các quyền tài sản trí tuệ để ăn trộm các bí mật thương mại. Nhưng hồi thế kỷ 19, Mỹ cũng từng ở địa vị tương tự trong mối quan hệ với nước dẫn đầu công nghệ trên thế giới lúc bấy giờ là Anh. Và Mỹ từng ngưỡng mộ thế nào đối với các bí mật thương mại của các nhà công nghiệp Anh thế nào thì Trung Quốc giờ đây đối với các tài sản trí tuệ Mỹ cũng như vậy.

Các nhà máy dệt của New England từng thua kém về công nghệ và cố gắng hết sức để ăn trộm các thiết kế của Anh và đưa các thợ thủ công Anh lành nghề sang Mỹ. Mỹ có luật bản quyền nhưng chỉ để bảo vệ công dân Mỹ. Như một nhà lịch sử kinh doanh Mỹ từng phát biểu: Người Mỹ cũng “từng là cướp biển”.

Bất cứ cơ chế thương mại quốc tế khôn ngoan nào cũng phải bắt đầu từ việc công nhận rằng nó không thể khả thi lẫn đáng mong muốn nếu hạn chế không gian cho các nước tự thiết kế mô hình kinh tế và xã hội của chính họ. Các mức độ phát triển, các giá trị và các quỹ đạo lịch sử quá khác biệt giữa các nước để một mô hình tư bản nhất định xỏ vừa mọi đôi chân. Trong vài trường hợp, các chính sách nội địa sẽ tạo hiệu ứng ngược và đẩy các nhà đầu tư nước ngoài ra xa, đẩy nền kinh tế nội địa vào đói nghèo. Trong những trường hợp khác, các chính này có thể thổi bùng quá trình chuyển đổi nền kinh tế và giảm đói nghèo, như trong trường hợp Trung Quốc, tạo ra lợi ích không chỉ cho nền kinh tế nội địa và còn cho người tiêu dùng toàn cầu.

Các quy định thương mại quốc tế, là kết quả của các cuộc đàm phán khốc liệt giữa các lợi ích trái ngược – bao gồm, đáng chú ý nhất, là các doanh nghiệp và các hoạt động vận động hành lang của họ, không thể suy xét đáng tin cậy giữa hai hoàn cảnh khác nhau. Các nước theo đuổi các chính sách có hại làm cùn mòn triển vọng phát triển cũng như đang tạo ra những thiệt hại lớn lao cho chính nước này. Khi các chiến lược nội địa theo hướng sai lầm, các nước khác sẽ bị thiệt hại theo; nhưng chính nền kinh tế nội địa nước đó phải trả cái giá đắt nhất – động lực lớn nhất để các chính phủ không theo đuổi các chính sách sai lầm. Các chính phủ lo ngại về chuyển giao bí quyết công nghệ quan trọng cho người nước ngoài, có quyền tự quyết trong triển khai các quy định cấm doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài hoặc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tại nước họ.

Rất nhiều các nhà bình luận theo trường phái tự do tại Mỹ cho rằng ông Donald Trump đúng khi đối đầu với Trung Quốc về các chiến thuật thương mại và chỉ phản đối về mặt phương pháp mà ông Trump sử dụng. Lịch trình thương mại của ông Trump vẫn đang bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa trọng thương hẹp hòi, chỉ chú trọng tới đặc quyền lợi ích của doanh nghiệp Mỹ trên tất cả. Nó cho thấy sự hờ hững với các chính sách giúp cải thiện thương mại toàn cầu cho tất cả. Các chính sách nên bắt đầu từ Nguyên tắc Vàng của cơ chế thương mại: đừng buộc các nước khác những gì bạn không thể chấp nhận nếu đứng vào vị trí của họ.

Theo Project Syndicate (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường