Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghĩ lại về lợi ích và những cú shocks của thương mại tự do
09 | 05 | 2018
Các nhà kinh tế học từ lâu đã tranh luận về việc thương mại tự do giúp tất cả mọi người trở nên giàu có hơn. Nhưng gần đây quan điểm này đang chịu nhiều chỉ trích, đáng kể nhất là từ Tổng thống Donald Trump. Các nhà kinh tế đang tự hỏi những câu hỏi khó. Liệu thương mại tự do có luôn tốt? Liệu những người thiệt thòi bởi thương mại tự do có cần được bù đắp? Để khám phá những điểm cơ bản của thương mại tự do, tờ The Economist đã phỏng vấn John Van Reenen, một nhà kinh tế học tại MIT.

The Economist: Ở mức độ cơ bản nhất, thương mại tự do là gì?

John Van Reenen: Thương mại tự do nghĩa là cho phép hàng hóa và dịch vụ lưu thông tự do nhất có thể giữa các nước khác nhau. Khi các nước phát triển, họ bắt đầu sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa mọi người trong phạm vi các biên giới của nước họ. Do giao thông cải thiện, họ bắt đầu mua bán hàng hóa nước ngoài. Trong một thời gian dài, thương mại quốc tế gặp rất nhiều rào cản lớn. Vào thời điểm các chính phủ gặp khó khăn trong việc thu thuế từ chính nền kinh tế nội địa, việc áp thuế nặng hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài tỏ ra dễ triển khai hơn. Nhưng các nhà kinh tế học cuối cùng đã thắng trong cuộc tranh luận cho rằng duy trì các rào cản thuế này càng thấp càng tốt là một chính sách khôn ngoan.

“Cùng với thương mại tự do, bạn có thể tiếp xúc với nhiều công ty nước ngoài, với những ý tưởng mới, với những con người mới”

The Economist: Thương mại tự do có tốt cho tăng trưởng kinh tế?

John Van Reenen: Theo quan điểm của tôi thì có 4 lợi ích lớn. Lợi ích đầu tiên đã được nhận ra từ đầu thế kỷ 19 khi David Ricardo cho rằng các nước nên chuyên môn hóa vào sản xuất những gì họ làm tốt nhất. Ví dụ, người Pháp sản xuất rượu vang ngon, người Anh thì không. Nhưng người Anh lại làm tốt trong sản xuất The Economist. Không có thương mại, Anh sẽ phải tự sản tự tiêu chính rượu vang của mình. Với thương mại, Anh và Pháp có thể tập trung vào những gì họ làm tốt nhất, với việc người Pháp đổi rượu vang lấy các số của tờ The Economist. Điều này gọi là “lợi thế so sánh”.

Thời gian trôi qua, thương mại tăng lên không chỉ bằng trao đổi hàng hóa cuối cùng – báo chí đổi lấy rượu vang – mà còn cả hàng hóa “trung gian”. Ví dụ như xe hơi. Hàng ngàn và hàng ngàn bộ phận khác nhau cấu thành nên xe hơi. Thực tế ngày càng phổ biến là một số phần sản xuất tại Pháp, một số tại Đức, một số khác tại Nhật Bản và cứ thế. Sau đó, họ có thể lắp ráp tất cả tại một nước thứ tư như Anh chẳng hạn. Ngay cả với hàng hóa phức tạp như xe hơi, các quốc gia cũng có thể chuyên môn hóa vào thứ họ làm tốt.

Lợi ích thứ hai của thương mại là tạo ra các thị trường lớn hơn. Nếu bạn đang sản xuất chỉ cho 1 nước, thị trường của bạn khá hạn chế. Nhưng với thương mại, bạn cũng có thể bán hàng hóa cho khách hàng trên toàn thế giới. Điều này nghĩa là những hàng hóa tốn nhiều tiền của để nghiên cứu – như các phương tiện tự lái hay bất cứ thứ gì – sẽ có tiềm năng hơn rất nhiều. Chi phí gộp như các khoản đầu tư này được trải rộng nên bạn có thể có nhiều đổi mới hơn – vốn là chìa khóa để tăng thu nhập quốc gia.

“Thương mại làm tăng kích cỡ chiếc bánh. Nhưng không có nghĩa là mọi người đều giàu lên. Một số chỉ nhận được phần nhỏ hơn của chiếc bánh.”

Lợi ích thứ ba liên quan đến sự khác biệt năng suất giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thực sự có năng suất cao, trong khi một số khác bị quản lý rất tồi. Những gì xảy ra khi có thương mại là bạn phải cạnh tranh mạnh hơn rất nhiều. Doanh nghiệp nội địa đang cạnh tranh không chỉ với các doanh nghiệp nội địa khác mà còn với doanh nghiệp toàn thế giới. Các doanh nghiệp có hiệu quả thấp hơn đối mặt với cạnh tranh cao hơn thì họ sẽ thu hẹp và cuối cùng là rời khỏi thị trường. Hoặc họ tái cấu trúc. Và chỉ các doanh nghiệp thực sự đổi mới thì mới có thể mở rộng. Điều này gọi là sự phá hủy sáng tạo, thực sự – chuyển dịch nguồn lực từ doanh nghiệp kém hiệu quả hơn sang doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Lợi ích cuối cùng, mà các nhà kinh tế học thi thoảng quên mất, liên quan đến chính trị. Với thương mại tự do, bạn tiếp xúc nhiều hơn với doanh nghiệp nước ngoài, với các ý tưởng mới, với con người mới,… Đó là lợi ích tương hỗ. Và đó là một động lực chính trị cho hợp tác. Nghĩ về châu Âu mà xem. Từ thế chiến II, các nước châu Âu đã dần hạ rào cản thương mại, và giai đoạn đó trùng hợp với giai đoạn hòa bình và hợp tác chưa từng có tiền lệ.

The Economist: Vậy những mặt trái của thương mại tự do là gì?

John Van Reenen: Thương mại tự do cũng có những mặt trái rất rõ ràng. Theo tôi, đó là về cách thương mại tự do làm tăng quy mô cái bánh. Nhìn chung, sự thịnh vượng vật chất thực sự tăng lên. Nhưng quy mô chiếc bánh to lên, không có nghĩa là ai cũng được hưởng phần to hơn. Tuy nhiên, nhờ việc chiếc bánh to hơn, chính phủ có thể bù đắp cho những người bị thiệt thòi, tức vẫn có cách khiến tất cả đều hưởng lợi.

Hãy nghĩ về cách điều này xảy ra. Trong những năm 1980s, Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Lúc bấy giờ, Trung Quốc là nước có mức lương cực thấp nên họ bắt đầu bán các sản phẩm tiêu dùng cấp thấp như quần áo. Mặc dù điều này là tốt – mọi người có thể mua quần áo rẻ hơn – những lao động tại các nước giàu hơn cũng đang sản xuất hàng tiêu dùng lại gặp cạnh tranh mạnh hơn. Công nhân tại Bradford giờ không chỉ còn cạnh tranh với công nhân tại Birmingham, mà còn với công nhân tại Bắc Kinh. Những công nhân này, đặc biệt là những người kém lành nghề trong những ngành này, chịu tác động nặng nề.

“Điều quan trọng là cần có tầm nhìn dài hạn. Hệ thống giáo dục cần giúp mọi người  thích ứng tốt hơn trước các cú shocks.”

Tôi nghĩ các nhà kinh tế đã đánh giá thấp cú shock Trung Quốc. Điều này giải thích cho việct ại sao các chính sách bù đắp cho nhóm bị thiệt hại do thương mại tự do lại không đủ – đặc biệt là tại Mỹ, nơi lưới an sinh xã hội, như chăm sóc y tế, trở nên quá lạc hậu. Nếu các chính sách tốt hơn được triển khai, có thể mức độ xung khắc chính trị với thương mại sẽ không nặng nề như hiện nay.

The Economist: Các nước có thể làm gì để bù đắp cho những người bị thiệt?

John Van Reenen: Có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn sẽ muốn bôi trơi những bánh xe của động năng, sẽ dễ dàng hơn nếu truyền động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ ngành này sang ngành khác, từ nơi này sang nơi khác. Dựng hàng rào cho việc này chỉ khiến mọi việc thêm tốn kém. Ví dụ, các chính sách kế hoạch hóa đôi khi khiến nhà ở tại các khu vực năng động của một nền kinh tế trở nên quá đắt đỏ, khiến mọi người gặp rất nhiều khó khăn để chuyển tới đó.

Bạn cũng sẽ cần hỗ trợ người dân có các kỹ năng cần thiết để tiến bước. Cái gọi là “các chính sách thị trường lao động năng động” rất quan trọng ở đây. Các nước Scandinavia như Đan Mạch làm điều này rất tốt. Thay vì bảo vệ việc làm khỏi việc do lo ngại chi phí tăng làm người tuyển dụng không sẵn sàng tuyển lao động, các quốc gia này có các hệ thống phúc lợi thất nghiệp hào phóng, giúp rất nhiều người bị thất nghiệp. Đào tạo lại ở đây cũng được triển khai tốt. Các chính phủ cũng buộc người lao động phải tích cực tìm kiếm việc làm.

Một điều cũng quan trọng khác là tầm nhìn dài hạn. Hệ thống giáo dục cần giúp mọi người thích ứng tốt trước các cú shock. Bạn cần người dân được giáo dục tốt và giáo dục không quá gắn liền với một kỹ năng đặc thù. Có các kỹ năng tổng quát – biết đọc, biết tính, các kỹ năng xã hôi – là ý tưởng đúng đắn. Nhờ đó, khi mọi người gặp thời gian khó khăn, họ liên tục có thể học tập kỹ năng mới và xoay xở dễ dàng hơn.

Nhưng điều quan trọng hơn là phải thực tế. Một số người, đặc biệt là những người lớn tuổi hơn, không thể được đào tạo lại nếu họ bị thất nghiệp bởi những thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc. Đối với những người này, không có gì sai nếu chính phủ có chương trình phúc lợi hào phóng một cách hợp lý và đầu tư trực tiếp vào hỗ trợ các cộng đồng gặp áp lực từ thương mại, công nghệ hay bất cứ cuộc khủng hoảng nào khác. Nhưng hãy nhớ rằng: Nhờ thương mại tự do, bạn có thể trang trải cho những chính sách này nhờ chiếc bánh tổng quát trở nên to hơn.

Theo The Economist (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường