Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu 2,4 triệu tấn cao su năm 2007. Hiện cao su của nước này rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế và giá cả có nhiều khả năng sẽ được cải thiện hơn nữa. Xuất khẩu cao su Indonexia trong năm 2006 đạt mục tiêu 2,2 triệu tấn nhờ nhu cầu cao từ các khách hàng mua lớn. Lượng xuất khẩu này cũng cao hơn mức 2,05 triệu tấn của năm 2005.
Ngành cao su Thái Lan năm nay chắc chắn sẽ tăng trưởng vững vì các ngành có liên quan dự báo sẽ đều tăng trưởng mạnh và nhờ chính sách của Chính phủ nhằm đưa Thái Lan trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thế giới. Tổng giám đốc Vụ Kinh tế Công nghiệp Thái Lan, ông Atchaka Brimble, dự báo sản lượng cao su Thái Lan sẽ tăng ít nhất 10% trong năm 2007. Việc xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu cao su và kiểm tra cao su và việc sử dụng găng tay cao su một cách rộng rãi trong ngành y tế và vì các mục đích khác cũng sẽ góp phần phát triển ngành cao su nước này.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, người ta ngày càng sử dụng nhiều cao su để xây dựng các đập nước, hồ nước, đường xá…Năm 2006, sản lượng cao su vẫn là một trong những ngành chính đóng góp cho nền kinh tế Thái Lan. Xuất khẩu cao su Thái đã đạt 8,4 tỷ USD, tăng 39% so với năm trước đó. Tỷ lệ tăng trưởng này tươg đương với mức tăng nhu cầu ở thị trường Trung Quốc.
Hiệp hội các nhà sản xuất Sản phẩm Cao su Malaysia, (MRPMA), dự kiến xuất khẩu sản phẩm cao su của nước này năm 2007 sẽ đạt 10 tỷ Ringgit, so với 9,2 tỷ Ringgit năm 2006 nhờ nhu cầu cao và cung dồi dào. Kế hoạch của Malaysia là tăng gấp đôi trị giá xuất khẩu sản phẩm cao su lên 25 tỷ Ringgit vào năm 2020. Nhu cầu cao su thế giới vẫn tiếp tục cao, nên giá cao su dự báo sẽ vẫn vững ở mức cao trong thời gian tới. Nhu cầu cao su ở châu Á, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan gần đây tăng rất mạnh. Giá cao su hiện đang ở mức khoảng 7,20 Ringgit/kg. Sản phẩm cao su của Malaysia vốn nổi tiếng thế giới về chất lượng.
Hiệp hội Ngành Cao su Trung Quốc cho biết, kinh tế tăng trưởng cao trong những năm qua là động lực chính giúp cho ngành ô tô nước này phát triển nhanh chóng, đem lại sự thịnh vượng cho ngành sản xuất săm lốp. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng lốp xe nước này năm 2005 đã tăng 18,7% so với năm trước, đạt 283 triệu chiếc, và tiếp tục tăng mạnh trong 7 tháng đầu 2006 bất chấp giá cao su nguyên liệu tăng, thêm 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cao su tổng hợp (SR) trong tháng 11/06 của Trung Quốc đạt 146.900 tấn, giảm 2,3% so với tháng 10/06, tuy nhiên trong 11 tháng đầu năm 2006 lại tăng 12% so với cùng kỳ năm 2005 đạt 1.680.000 tấn. Sản lượng săm lốp tháng 11/06 đạt 36,91 triệu chiếc, tăng 5,1% so với tháng 10/06 và trong 11 tháng đầu năm đạt 395,03 triệu chiếc, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2005.
Dự báo giá cao su sẽ giảm nhẹ trong tuần tới, nếu đồng Yên tiếp tục tăng giá. Nguồn cung hạn hẹp sẽ ngăn không cho giá giảm quá mạnh.
Diễn biến giá cao su, USD/kg, FOB:
Xuất xứ | Loại | Kỳ hạn | 8/3 | 1/3 |
Thái lan | RSS3 | Tháng 4 | 2,24 | 2,25 |
Indonesia | SIR20 | Tháng 4 | 0,93 | 0,96 (US cent/lb) |
Malaysia | SMR20 | Tháng 4 | 2,07 | 2,10 |