Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều Việt Nam đối mặt nhiều thử thách lớn trong năm 2019
11 | 01 | 2019
Năm nay, các nhà rang chiên và tiêu thụ điều Âu Mỹ đã áp dụng chiến thuật không mua xa như các năm trước, việc này đặt ra tình thế khó khăn cho các nhà chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhu cầu điều nhân trở nên trầm lắng hơn hẳn vào cuối năm 2018, đặc biệt là khi dự trữ cho mùa tiêu thụ Đông - Xuân ở Mỹ và Tết ở Trung Quốc đã tạm ổn.

Cụ thể, thị trường điều ở Mỹ trầm lắng và chậm chạp, không có nhiều giao dịch thành công. Điều này phản ảnh lượng dự trữ cho mùa tiêu thụ Đông - Xuân đã có đủ, nhu cầu mua thêm cho giao nhanh không nhiều, không có giao dịch thành công cho mua xa. 

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhận định, diễn biến trên cho thấy tâm lý dè dặt của người mua, chờ đợi và kỳ vọng khi vào chính vụ thu hoạch rộ, giá nhân sẽ tụt xuống thấp hơn mức hiện tại. Đa số khách hàng Âu - Mỹ nhận định rằng giá cho mùa vụ mới từ tháng 3 - 4/2019 trở đi sẽ dao động chút ít ở mức 3,4 USD. Một số ít khác thì tỏ ra bi quan hơn, nhưng ngược lại một số khác cũng tỏ ra lạc quan khi cho rằng giá sẽ cao hơn mức 3,4 USD.

Trong khi đó, tuy còn hơn tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng nhu cầu và giá cả ở Trung Quốc sụt giảm đáng kể, thị trường không còn sôi động, cho thấy nhu cầu mua sắm trữ kho bán cho mùa Tết đã tạm ổn. 

Hơn nữa, đại diện Vinacas cho biết, quy định mới của cơ quan hải quan và thuế của Trung Quốc thay đổi buộc tất cả phải nhập qua đường chính ngạch và nộp nghĩa vụ thuế nhập khẩu đã làm giá cả hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn, không còn lợi thế cạnh tranh như trước. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến sức mua và tiêu thụ nhân điều Việt Nam tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, ngành điều thế giới cũng đối mặt với không ít khó khăn khi có tin Chính phủ Tanzania tiếp tục cấm xuất khẩu điều thô niên vụ 2018/2019, và họ đang đàm phán liên doanh với 8 công ty trong nước và ngoài nước tham gia chế biến điều nhân tại Tanzania. Theo số liệu từ Chính phủ Tanzania, cả nước hiện có 23 nhà máy chế biến điều, nhưng chỉ có 8 là còn hoạt động.

Vinacas còn cho biết, Chính phủ Tanzania, thông qua Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Tanzania, đang tiếp xúc với Hiệp hội Điếu Ấn Độ, và cả Việt Nam, để tìm đối tác và giải pháp cho gần 300.000 tấn điều Tanzania niên vụ năm nay.

Trong khi đó, mua bán nguyên liệu thô tại Việt Nam đã trầm lắng hơn do giá nhân sụt giảm, mức giá điều thô hiện nay trở nên kém hấp dẫn và đối mặt sự thờ ơ từ phía các nhà máy, trừ một số nhà máy thiếu nguyên liệu và có nhu cầu, và do đã ký được hợp đồng xuất nhân lúc giá nhân lên cao vào tháng 11/2018.

"Giá điều thô từ các nhà cung cấp cũng như từ môi giới thì rất loạn. Thực chất vấn đề đau đầu vẫn là khi chào mời thì phía người bán thường đưa chất lượng lên cao cho giá thấy rẻ xuống, nhưng thực chất khó xác định giá cao hay rẻ, chỉ khi chứng minh được chất lượng thực tế tương xứng với lời chào", ông Công cho biết. 

Năm 2018 sắp kết thúc và Tết Nguyên Đán cũng cận kề, Vinacas nhận định, nhiều lò chẻ đã nghỉ sản xuất, nhu cầu nguyên liệu không còn cao nên khó có khả năng có sự biến động đột phá đi lên của giá điều thô trong nước trong thời điểm hiện nay cho đến sau tết Âm lịch, cũng như trong thời gian tiếp theo trong vụ thu hoạch 2019 tại Việt Nam/ Campuchia và cũng là rộ vụ tại Tây Phi. 

Bất luận Tanzania có xả hàng hay không đều không thể tạo ra xu thế đi lên của điều thô trong thời gian này. Ngược lại, giá điều thô có xu hướng đi xuống sâu khi vào vụ, và không loại trừ khả năng xả hàng của Tanzania cũng sẽ ảnh hưởng lớn.

Về điều nhân, lãnh đạo Vinacas dự báo, giá sẽ tiếp tục trầm lắng cho đến tháng 3 - 4/2019 khi các nhà rang chiên bất đầu hợp đồng mua hàng cho năm 2019. Năm nay, các nhà rang chiên và tiêu thụ Âu Mỹ đã áp dụng chiến thuật không mua xa như các năm trước, đặt ra tình thế khó khăn cho nhà chế biến xuất khẩu Việt Nam, và đòi hỏi nhà sản xuất phải thật năng động tích cực tìm thị trường tiêu thụ nhân. 

Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với thị phần tới 60%. Thế nhưng thực trạng cung vượt quá cầu có thể khiến các nhà chế biến sản xuất phải tìm lời giải cho bài toán giá điều giảm sút. Trong khi nhu cầu các sản phẩm điều trên thế giới chỉ tăng khoảng 5% thì sản lượng sản xuất điều nhân của Việt Nam tăng tới 25%.

Theo ông Công, Việt Nam cần có một giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng chất lượng - vệ sinh an toàn thực phẩm, giao hàng đúng hạn, hoàn thiện chứng từ xuất khẩu nhanh và chính xác, chấn chỉnh dịch vụ hậu mãi...

"Nhìn chung, bên cạnh cơ hội lớn, năm 2019 vẫn là một thử thách rất lớn cho các nhà máy chế biến và kinh doanh điều tại Việt Nam", lãnh đạo Vinacas nhận định.

Nguồn: The Leader



Báo cáo phân tích thị trường