Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành ngô Trung Quốc 'lỗ nặng' vì dịch tả heo châu Phi
21 | 09 | 2019
Ngô chiếm gần 8% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm ngoái và 40% tổng sản lượng ngũ cốc của cả nước, nhưng cây trồng chính này đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi (ASF) khi nhu cầu về thức ăn cho heo giảm mạnh.

Cùng với lúa mì và gạo, ngô là một trong ba loại cây trồng chính ở Trung Quốc, vì vậy chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo sự tự cung tự cấp như một phần của chính sách an ninh lương thực bao trùm.

Sản lượng ngô hàng năm là lớn nhất trong tất cả loại cây trồng ở mức 257 triệu tấn trong năm ngoái.

Ngành ngô cũng là một phần quan trọng của nền kinh tế quốc gia, đóng góp 7,8% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2018, theo Tong Yi, kĩ sư trưởng tại Tập đoàn ngũ cốc, dầu và thực phẩm quốc gia Trung Quốc - nhà chế biến thực phẩm lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy tính đến cuối tháng 8, số heo sống của quốc gia châu Á đã giảm 38,7% so với một năm trước đó. 

Số lượng heo nái cũng đã giảm 37,4%, cho thấy heo con sẽ được sinh ra ít hơn và số lượng heo sẽ tiếp tục thu hẹp trong thời gian tới, và do đó, nhu cầu về ngô đã và sẽ giảm mạnh.

Feng Jilong, Tổng giám đốc của Dalian Northern Internationald Grain Logistics, cho biết tác động của dịch tả heo châu Phi trên thị trường ngô đã được chứng minh là mạnh hơn nhiều so với ước tính trước đây. 

Đầu năm nay, ước tính số heo sẽ giảm khoảng 20%, hoặc chỉ bằng một nửa so với mức giảm 40% thực sự cho đến nay, ông Feng nói.

Tình hình nghiêm trọng hơn số liệu thực tế gợi ý

Ông Zhang Qirong, người phụ trách mua ngô tại Twins Group, một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi Trung Quốc, cho biết nghiên cứu của công ty đã chỉ ra rằng Trung Quốc có thể mất 50%, thậm chí 60% heo do dịch tả heo châu Phi (ASF).

"Tình hình có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với số liệu chính thức gợi ý, theo dữ liệu của chúng tôi", ông Zhang phát biểu tại Hội nghị Công nghiệp ngô Trung Quốc diễn ra ở thành phố Đại Liên, phía bắc Trung Quốc, vào tuần trước.

Lan Renxing, Phó giám đốc quản lí chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi tại New Hope Liuhe, một nhà sản xuất thức ăn lớn khác, cho biết dịch ASF có thể khiến nhu cầu thức ăn cho heo trong năm nay giảm 25%, theo đó sẽ loại bỏ ít nhất 23 triệu tấn ngô tiêu thụ, tương đương gần 10% của sản xuất trong nước.

Thị trường ngô nhận được sự hỗ trợ lớn tại Trung Quốc vì chi phí sản xuất mỗi tấn cao hơn gấp đôi so với các nước sản xuất lớn khác, như Mỹ nơi giá ngô tiêu chuẩn là khoảng 155 USD/tấn, hoặc thấp hơn ít nhất 50% so với ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Trung Quốc bảo vệ thị trường nội địa của mình với hệ thống hạn ngạch nhập khẩu hàng năm là 7,2 triệu tấn vào năm 2019 với thuế nhập khẩu 1%. Hàng nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ chịu mức thuế suất 65%.

"Nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra tốt đẹp, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh nhập khẩu nông sản nói chung, nghĩa là giá nông sản [ở Trung Quốc] sẽ giảm dần để ngang bằng với thị trường quốc tế", theo ông Gu Zhong, Tổng giám đốc của công ty Dalian Zhonggu Trading, một công ty kinh doanh nông sản ở Đại Liên.

"Việc tăng các biện pháp bảo vệ sẽ là xu hướng", theo ông Gu, với thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu dự kiến sẽ mất sự bảo hộ của nhà nước mặc dù vẫn còn một số biện pháp kiểm soát nhất định.

Văn bản chính sách hàng năm của chính phủ trung ương tập trung vào nông nghiệp phát hành đầu năm nay cho biết sản xuất lúa mì và lúa gạo phải được bảo vệ, trong khi ngô có thể chỉ cần được ổn định.

Tháng 3, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã đặt mua lượng ngô lớn nhất từ Mỹ trong ít nhất 5 năm rưỡi mặc dù nguồn cung dư thừa tại quê nhà, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Ngoài ra, một chiến dịch quốc gia nhằm tăng sản lượng đậu nành nội địa trong bối cảnh chiến tranh thương mại đã gây ra nhiều vấn đề hơn cho ngành ngô Trung Quốc, với người nông dân ở Hắc Long Giang (Trung Quốc) chuyển sang trồng đậu nành trong năm nay, theo ông Feng từ Dalian Northern Internationald Grain Logistics.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường