Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tái canh giúp 'ghi điểm' về tiêu chuẩn cà phê đặc sản
13 | 09 | 2019
Tái canh cà phê ở Tây Nguyên là cơ hội để thay đổi giống cũ bằng giống mới với nhiều điểm ưu việt như năng suất cao, chất lượng tốt...

Tây Nguyên là vùng trồng chủ lực cây cà phê vối với diện tích 622.300 ha. Kế hoạch đến năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tái canh và ghép cải tạo 132.000 ha cà phê già cỗi năng suất thấp. Đến nay, các tỉnh đã thực hiện được 118.200 ha (đạt khoảng 90% kế hoạch).

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê cao nhất với hơn 58.200 ha; tiếp đó là các tỉnh Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai. Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất, một số đạt điểm cao về tiêu chuẩn cà phê đặc sản.

Tuy vậy việc tái canh cà phê ở Tây Nguyên đang gặp những vướng mắc, hạn chế về nguồn vốn, cơ cấu giống, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật…, cũng như những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, vấn đề sinh kế cho nông dân trong thời gian tái canh, giá cà phê thời gian qua luôn ở mức thấp, cũng ảnh hưởng đến việc tái canh, cải tạo vườn cà phê.

Tái canh giúp 'ghi điểm' về tiêu chuẩn cà phê đặc sản - Ảnh 1.

Tăng cường tái canh để phát triển cà phê bền vững ở Tây Nguyên.

“Năm vừa rồi tình trạng hạn hán khiến cho nhiều dịch bệnh phát triển mạnh như, nấm hồng, thối cánh thối quả, mọt cành, rệp sáp. Người dân mong muốn trong tình trạng biến đổi khí hậu, diễn đàn và đặc biệt là cơ quan khuyến nông hướng dẫn bà con xử lý các tình trạng dịch bệnh” - nông dân Đinh Văn Khấn, ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, mong muốn.

Cùng với vấn đề dịch bệnh thì việc chọn giống cũng là yếu tố quyết định đến hiệu quả tái canh và phát triển cà phê bền vững tại Tây Nguyên. Theo TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc tái canh là cơ hội để các địa phương cơ cấu lại các giống cà phê cho phù hợp.

“Tái canh có rất nhiều vấn đề về kỹ thuật khiến người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, tái canh là cơ hội để thay đổi những giống cũ bằng những giống mới với nhiều điểm ưu việt chẳng hạn như là năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng kháng các loại sâu bệnh hại” - TS. Phan Việt Hà nói.

Về vấn đề kỹ thuật khi tái canh, PGS. TS. Lê Quốc Thanh -.Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, người trồng cà phê cần phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật thì mới thành công. Đó là phải cày bừa thu gom và loại bỏ rễ cũ của cây cà phê, xử lý đất, luân canh cây trồng khác trong ít nhất 2 năm:

“Tái canh cà phê có điều kiện bắt buộc là phải nằm trong quy hoạch của chính quyền địa phương. Thứ hai phải có đầy đủ về mặt quy trình, vật tư và đặc biệt là điều kiện về đất đai. Nếu đất chưa hết tuyến trùng chưa hết chủng loại sâu bệnh mà người dân tái canh thì cà phê sẽ bị nhiễm bệnh” - PGS. TS. Lê Quốc Thanh cho biết.

Giải pháp khả thi để sản xuất cà phê bền vững, vấn đề thị trường và việc nâng cao hiệu quả liên kết, sản xuất cà phê có chứng nhận, canh tác cà phê theo chuỗi được đặt ra cho cả các nhà quản lý và nhà khoa học khi đồng hành cũng nông dân trồng cà phê.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường