Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người Pà Thẻn vươn lên từ cây chè
26 | 02 | 2020
“Chè Pà Thẻn” là cái tên mà người dân xã Linh Phú (Chiêm Hóa) đặt cho sản phẩm chè ở 2 thôn Khuổi Hóp, Nà Luông, được trồng từ khoảng 40 năm nay. Ngoài ra còn có giống chè mới, trồng từ khoảng 5 năm trước, nay đã cho thu hoạch và mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.

Chè Pà Thẻn hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Linh Phú, lại được bà con chăm bón theo quy trình thủ công với phân bón hữu cơ. Chè không sử dụng hóa chất bảo vệ nên có chất lượng tốt, hương chè thơm dịu, không có mùi hắc, nước chè xanh trong. Ông Tái Văn Mùi, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, qua khảo sát thực tế, nắm được chất lượng chè của người Pà Thẻn trên địa bàn có thể trở thành một sản phẩm đặc sản, năm 2017 xã đã chỉ đạo thành lập Hợp tác xã Chè Pà Thẻn nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã đang cùng với các cơ quan chuyên môn của huyện và Sở Khoa học - Công nghệ thực hiện các bước đăng ký nhãn hiệu Chè Pà Thẻn. Đây cũng là sản phẩm chính trong triển khai Chương trình xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm đặc trưng”. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng đã đưa cây chè vào là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.

Ông Lương Văn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã Chè Pà Thẻn chia sẻ, hiện nay, diện tích chè của người Pà Thẻn trên địa bàn đạt 23ha với 2 giống chè PH8 và TRI777. Thôn Khuổi Hóp có 40/61 hộ trồng chè, thôn Nà Luông có 20 hộ. Hai giống chè được trồng thuộc biến chủng chè Shan, cây sinh trưởng khá, búp to, mật độ búp thấp, góc độ phân cành hẹp, tán tương đối rộng, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên để đạt phẩm chất tốt nhất phải có quy trình canh tác đúng kỹ thuật, đòi hỏi bà con trước khi trồng cần học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ các chương trình khuyến nông cũng như từ những người đi trước.

Nhờ cây chè, nhiều người dân nơi đây có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Bà Nguyễn Thị Cứng, thôn Khuổi Hóp cho biết, hiện nay gia đình bà có trên 1 ha chè, thời điểm cho thu hái bắt đầu từ tháng hai đến khoảng tháng 8 âm lịch. Mỗi tháng thu hái 2 lứa, trung bình một năm gia đình bà thu hoạch được trên 5 tấn chè tươi. Một phần nhỏ sau khi thu hái được gia đình chế biến chè thành phẩm với mong muốn tạo ra một loại chè thủ công chất lượng, trở thành sản phẩm thu hút người tiêu dùng trên địa bàn xã, huyện. Hiện nay, chè tươi có giá bán là 10 nghìn đồng/kg, chè thành phẩm được đóng gói có giá bán dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/kg tùy theo thời điểm.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương, Hợp tác xã tiếp tục hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc và chế biến chè, đồng thời tăng cường thực hiện quảng bá sản phẩm chè Pà Thẻn tới các địa phương trong và ngoài tỉnh góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Theo báo Tuyên Quang



Báo cáo phân tích thị trường