Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trồng chè an toàn đưa thương hiệu bay xa
10 | 04 | 2020
Để tạo ra thứ trà hội tụ cả sắc, vị, hương, anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã triển khai quy trình chăm sóc chè an toàn theo hướng hữu cơ; đồng thời tổ chức tốt chuỗi sản xuất từ trồng chè, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đưa thương hiệu chè xanh Trung Long bay xa.

HTX được thành lập từ tháng 9/2015 và chỉ 2 năm sau, sản phẩm chè xanh của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Trung Long”. Hiện nay, HTX đã mở rộng được thị trường tiêu thụ chè ở nhiều tỉnh, thành phố và đang chạm tới mục tiêu trở thành cơ sở đầu tiên ở Tuyên Quang sản xuất chè sinh học.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Người góp công đầu làm nên những thành quả của HTX chính là Giám đốc Nguyễn Mạnh Thắng. Trước đó, anh Thắng từng đảm nhận nhiệm vụ chuyên chở chè mang bán các nơi. Trong các chuyến đi đó, anh thấy khách hàng khen chè đất quê mình rất ngon nhưng thời ấy chè ở địa phương chưa có tiêu chuẩn, thương hiệu gì nên giá bán quá thấp, không cạnh tranh được với sản phẩm ở các nơi khác.

Sau một thời gian suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, anh Thắng đã lên kế hoạch phát triển sản phẩm chè đặc sản của quê hương thành thương hiệu. Anh bắt đầu từ việc đi tham quan quy trình thu mua, sản xuất, chế biến chè sạch của một công ty ở Hải Dương và thăm mô hình trồng, sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên để lấy kiến thức. Sau đó, anh mạnh dạn vay mượn tiền của bạn bè, người thân để đầu tư nhà xưởng chế biến chè khô, tạo bước đệm thực hiện ý tưởng xây dựng một vùng nguyên liệu làm chè an toàn.

Vừa sản xuất, anh Thắng vừa chủ động, tích cực truyền đạt kiến thức làm chè sạch cho bà con trồng chè trong thôn. Dần dần, anh đã thuyết phục được một số người tâm huyết với chè thành lập HTX, cùng triển khai thực hiện quy trình chăm sóc chè an toàn.

HTX hiện có 20 ha chè của 8 thành viên, trong đó có 5,5 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Thắng cho biết, để xây dựng và bảo vệ thương hiệu chè sạch, đồng thời bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho người sản xuất, HTX đã thực hiện các quy trình trồng chè hữu cơ, vì vậy một số diện tích đã được tái thiết đất. Đất, nước được loại bỏ tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, một số diện tích đã bắt đầu bước vào khâu sản xuất sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng đã hỗ trợ một phần phân hữu cơ cải tạo cho cây chè, chế phẩm vi sinh làm phân bón cải tạo đất và chế phẩm sinh học trừ sâu cho cây chè; tổ chức mở lớp tập huấn hướng dẫn ATLĐ, kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ cho người trồng chè xã Trung Yên.

Bảo đảm an toàn lao động

Trước đây, để phòng trừ các loại dịch hại trên cây chè, đa số nông dân sử dụng biện pháp phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhiều lần trong vụ. Việc sử dụng thuốc tùy tiện, liều lượng cao hơn quy định là nguyên nhân chính gây tồn dư thuốc trên sản phẩm chè và mất ATLĐ. Từ khi chuyển sang mô hình sản xuất hữu cơ, các hộ trồng chè sử dụng biện pháp làm cỏ bằng tay; trồng các loại hoa cúc là khắc tinh của một số loại rầy và bọ xít muỗi, giúp giảm thiểu sâu hại chè; thu hút côn trùng gây hại...

Bà Vũ Thị Thảo, thôn Trung Long, xã Trung Yên cho biết, trước đây gia đình thường dùng các loại thuốc hóa học để phun phòng trừ sâu bệnh cho chè. Mỗi lần phun thuốc xong, bà thường thấy mệt mỏi, khó chịu vì hít phải mùi độc hại, mà đất dần cằn cỗi. Vì thế khi được vận động tham gia trồng chè hữu cơ, gia đình nhiệt tình hưởng ứng.

Theo bà Thảo, chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ tuy năng suất giảm 30% so với chăm sóc chè tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Mỗi sào chè hữu cơ thu được 20 kg chè khô/lứa, giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg.

Trồng chè an toàn rất kỳ công, chi phí cao hơn so với cách làm chè thông thường, song cái được lớn nhất là sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng được bảo đảm. Ngoài ra, các thành viên trong HTX cũng tích cực sử dụng các thiết bị máy móc để bảo đảm ATLĐ, giảm công sức và nâng cao năng suất.

Hiện nay, mỗi gia đình có từ 2-3 chiếc tôn sao chè, máy vò chè. Có 90% số hộ dân chế biến chè bằng tôn inox vì tôn inox bền hơn, lại sạch, không gỉ. Lò sao chè được cải tiến giúp tiết kiệm củi, chất đốt, giảm thời gian chế biến và hạn chế khói, bụi nên không ảnh hưởng đến chất lượng chè.

Nguồn: https://thoibaokinhdoanh.vn/kinh-doanh-xanh/trong-che-an-toan-dua-thuong-hieu-bay-xa-1067129.htm



Báo cáo phân tích thị trường