Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 12/2020
06 | 01 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (15/12), hàng loạt các chỉ số chính của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 11 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà hồi phục một cách mạnh mẽ, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 7,0%, chỉ số sản xuất của các ngành dịch vụ cũng tăng 8% so với cùng kỳ và lần lượt tăng 0,1% và 0,6% so với tháng 10. Sản lượng lương thực trong năm 2020 của Trung Quốc đạt 652 triệu tấn, tăng 0,9%, là năm thứ 6 liên tiếp sản lượng lương thực của Trung Quốc vượt mốc 650 triệu tấn. Về góc độ nhu cầu, tăng trưởng bán lẻ trong tháng 11 đạt 5%, xuất khẩu trong tháng 11 tăng 7,8% so với cùng kỳ và lần lượt tăng 0,7% và  3,2% so với tháng 10. Đầu tư tài sản cố định từ tháng 1 đến tháng 11 tăng 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị là 5,2%, giảm 0,1% so với tháng 10. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý IV đang có triển vọng nhanh hơn tốc độ trong quý III, do từ góc độ sản xuất hay nhu cầu đều có sự hồi phục ổn định. Kết quả cuộc thăm dò của Reuters công bố ngày 27/10 cho thấy, tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý IV/2020 sẽ đạt 5,8% (so với cùng quý năm ngoái), mạnh hơn mức 4,9% của quý III/2020, và cả năm 2020 sẽ đạt 2,1%, sau đó tăng tốc lên 8,4% trong năm 2021, khi kinh tế toàn cầu đều hòi phục. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (diễn ra trong các ngày 26-29/10/2020), Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc có thể áp dụng mô hình phát triển mới, huy động cả nguồn lực kinh tế quốc gia và động lực kinh tế quốc tế thay chỉ tập trung vào các thị trường nước ngoài như trước. Mục tiêu của nước này trong 15 năm tới sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ và các ngành chiến lược khác.

Theo báo cáo mới đây của Morgan Stanley, GDP của thế giới trong năm 2020 sẽ tăng trưởng âm 3,5%, trong đó Mỹ tăng trưởng âm 3,5%, EU tăng trưởng âm 7,2%, còn tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt 2,3%. Sách xanh kinh tế Trung Quốc do Viện khoa học xã hội nước này công bố hôm 14/12 cũng cho thấy, trong năm 2020 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 2,2% và tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2021 với mức tăng 7,8%. Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đó do phản ứng tương phản của hai quốc gia đối với thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra.

Ngày 23 tháng 11 năm 2020, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (MARA) đã công bố lấy ý kiến trong nước về dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm quốc gia Giới hạn dư lượng tối đa của 75 loại thuốc trừ sâu (bao gồm 2,4-D-dimethylamine) trong thực phẩm. Tiêu chuẩn dự thảo đưa ra 212 giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) đối với 75 loại thuốc trừ sâu trong nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc, hạt có dầu và đồ uống có nguồn gốc thực vật. Trung Quốc dự kiến sẽ thông báo dự thảo MRLs cho Ủy ban SPS của WTO sau giai đoạn lấy ý kiến trong nước, thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22 tháng 12 năm 2020.

Ngày 4 tháng 11 năm 2020, Trung Quốc đã thông báo dự thảo Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia sửa đổi đối với Vật liệu Giấy và Bìa và Các mặt hàng Dự định Tiếp xúc với Thực phẩm lên Tổ chức Thương mại Thế giới với tên gọi G / SPS / N / CHN / 1186. Sau khi hoàn thiện, tiêu chuẩn sửa đổi sẽ thay thế Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia hiện hành cho Giấy, Vật liệu bìa và Sản phẩm Tiếp xúc với Thực phẩm (GB4806.8-2016), được ban hành vào tháng 10 năm 2016 và có hiệu lực nửa năm sau đó. So với tiêu chuẩn hiện hành, tiêu chuẩn sửa đổi sửa đổi các thuật ngữ và định nghĩa nhất định, các yêu cầu về cảm quan, các chỉ tiêu hóa lý và các yêu cầu kỹ thuật khác. Trung Quốc chưa công bố ngày dự kiến ​​có hiệu lực của tiêu chuẩn sửa đổi.

Vào ngày 3 tháng 12 năm 2020, EU đã công bố Thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc về chỉ dẫn địa lý (GIs) trên Tạp chí chính thức của mình. Hiệp định này sẽ mở rộng sự bảo hộ ở Trung Quốc cho 275 sản phẩm được sản xuất tại EU. Các sản phẩm bao gồm pho mát feta, pho mát asiago, ô liu kalamata, rượu vang marsala và hơn thế nữa. Post dự kiến Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2/2021.

Theo báo cáo của USDA, xu hướng sản xuất và tiêu thụ trái cây có múi tươi của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong niên vụ 2020/21 lần lượt là 35,6 triệu tấn và 34 triệu tấn. Tuy nhiên, trong tương lai tốc độ tăng trưởng sản xuất dự kiến sẽ chậm lại khi giá cả giảm và nhu cầu tiêu dùng đạt đến ngưỡng bão hòa. Nhu cầu đối với trái cây có múi nhập khẩu trong niên vụ 2020/21 dự kiến vẫn ở mức thấp, giảm 25% so với mức Covid-19 trước đó, mặc dù sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi. Nhập khẩu và sản xuất nước cam ép đông lạnh thấp hơn cho thấy thách thức đối với ngành công nghiệp trong nước và dấu hiệu thay đổi sở thích của người tiêu dùng đối với trái cây tươi. Sản lượng cam trong niên vụ 2020/21 dự báo tăng lên 7,5 triệu tấn do số lượng cây mới trồng cách đây vài năm ở Giang Tây và các tỉnh khác bắt đầu cho trái nhiều hơn.

Theo Undercurrentnews, người tiêu dùng ở Trung Quốc lo ngại rằng hải sản nhập khẩu có thể bị nhiễm virus COVID-19 đã khiến nhập khẩu hải sản của Trung Quốc giảm mạnh, giảm khoảng 13% trong năm 2020. Theo các nhà nhập khẩu của Trung Quốc nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bên cạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm thì nguyên nhân không kém phần quan trọng khác đó là quy trình nhập khẩu trong giai đoạn này bị siết chặt và tốn nhiều thời gian thủ tục hơn. Từ 10-11 đến nay, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng quan trọng như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân... Theo qui định mới, các lô hàng thủy hải sản đông lạnh bao gồm cá tra phile sẽ phải lấy mẫu kiểm tra COVID-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng.Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thời gian từ khi lấy mẫu đến trả kết quả để thông qua vẫn chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng khiến lượng hàng hóa bị ách tắc tại cảng rất lớn.

Trung Quốc đã nhập khẩu 9 triệu tấn ngô trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng lượng ngô nhập khẩu lớn nhất từ ​​trước đến nay của Trung Quốc, theo Dim Sums: Rural China Economics and Policy. Thêm 1,23 MMT nhập khẩu trong tháng 11 đã đẩy tổng số năm 2020 vượt xa hạn ngạch thuế quan thấp 7,2 MMT (TRQ).

Ngày 15/11, Trung Quốc đã cùng 14 nước Châu Á - Thái Bình Dương ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Việc thực hiện hiệp định RCEP khó có thể thay đổi hoạt động thương mại nông sản của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ có tác động nhỏ đến xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong tương lai gần.

 Hiệp định FTA giữa Trung Quốc và Campuchia ký kết vào ngày 12/10/2020 bao gồm các lĩnh vực như thương mại, du lịch, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại điện tử, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật… Do Campuchia là thành viên của Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, nên hầu hết hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đều được miễn thuế. Hiệp định này còn đưa 340 sản phẩm khác vào danh sách miễn thuế, bao gồm ớt tươi, ớt khô, hạt điều, tỏi, mật ong, thủy hải sản…, khiến tỷ lệ các mặt hàng được Trung Quốc miễn thuế cho Campuchia lên đến 97,53%. Các mặt hàng của Campuchia được hưởng thuế bằng 0 chiếm 90% trong toàn bộ danh mục thuế. Các loại hàng hóa mà Trung Quốc chú trọng như nguyên liệu và sản phẩm dệt may, sản phẩm điện máy, sản phẩm kim loại và phương tiện giao thông, đều được Campuchia đưa vào danh sách giảm thuế. Đây là mức cao nhất trong tất cả các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai bên từ trước đến nay. Hiện nay, Campuchia xuất khẩu hơn 10.000 loại sản phẩm sang Trung Quốc và Trung Quốc xuất khẩu hơn 8.000 loại sản phẩm sang Campuchia. Số liệu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh cho thấy kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2019 là 9,42 tỷ USD, tăng 27,29% so với 7,4 tỷ USD năm 2018. Dự tính tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2023.   Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Campuchia có thể đạt 1.771 USD vào năm 2021, cao hơn mức tương ứng 1.600 USD năm 2020.

Về xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác truyền thống, có kim ngạch nhập khẩu NLTS lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc tăng liên tục kể từ tháng 6, kim ngạch xuất khẩu đạt 878 triệu USD, tăng 7,08% so với tháng 10/2020, và tăng 9,13% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, cao su. So với tháng 10 năm 2020, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như cao su, gạo tăng 25%, rau quả tăng 19%, gỗ và sản phẩm gỗ tang 15%. Chỉ có 5 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm là chè, thủy sản, hạt điều, sản phẩm từ cao su, thức ăn gia súc và nguyên liệu, trong đó giảm mạnh nhất là thủy sản với 27%. So với cùng kỳ, gạo tiếp là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất ( tăng 285%), tiếp đến là thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 50%,  cao su tăng 36%, sản phẩm cao su tăng 32%... Trong khi đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm, đặc biệt thịt và các sản phẩm thịt giảm 97%, rau quả, thủy sản, cà phê giảm khoảng 12%. 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.

 

 



Báo cáo phân tích thị trường