Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin thị trường lúa gạo tháng 12/2020
05 | 01 | 2021

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2020 ước đạt 443 nghìn tấn với giá trị đạt 240 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo cả năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn và 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 với 32,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1,94 triệu tấn và 910,16 triệu USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 11 tháng đầu năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia (gấp 2,8 lần, đạt 88,3 nghìn tấn và 47,8 triệu USD) và Trung Quốc (tăng 91,6%, đạt 752,3 nghìn tấn và 431,7 triệu USD). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong 11 tháng đầu năm 2020 là Iraq (giảm 65,6%, đạt 90 nghìn tấn và 47,6 triệu USD). Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2020 đạt 496 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Về chủng loại xuất khẩu, trong 11 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 32,5% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 32,9%; gạo nếp chiếm 29,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,8%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippin (chiếm 53,7%), Cuba (chiếm 23,5%) và Hàn Quốc (chiếm 7,7%). Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Bờ Biển Ngà (chiếm 31,8%), Ghana (chiếm 12,8%) và Philippin (chiếm 11,3%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 87,9%), Indonesia (chiếm 2,8%), và Philippin (chiếm 2,8%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Papua New Guinea (chiếm 16,7%), Đảo quốc Solomon (chiếm 9,2%), và Trung Quốc (chiếm 8,1%).

Trong tháng 12/2020, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng giảm đột ngột vào đầu tháng và tăng mạnh trở lại từ giữa tháng. Vào đầu tháng 12/2020, giá gạo giảm đột ngột từ 498 USD/tấn xuống 480 USD/tấn, do các thương nhân xả hàng làm rỗng kho để chờ thu mua vụ Đông xuân sắp tới. Tuy nhiên, giá đã tăng mạnh trở lại sau đó, nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt container chuyên chở vào cuối năm nên chi phí vận chuyển tăng mạnh. Giá gạo Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng lên trong tháng. Cụ thể, Thái Lan tăng từ 498 USD/tấn từ đầu tháng lên 510 USD/tấn; Ấn Độ tăng từ 378 USD/tấn lên 383 USD/tấn. Nguyên nhân chính cũng bắt nguồn từ hiện tượng phí vận chuyển tăng cao vào cuối năm như trên.

Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến tăng trong tháng cuối cùng của năm 2020. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 300 đồng/kg lên 6.500 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 300 đồng/kg lên mức 7.300 – 7.700 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên 7.400 – 7.600 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 tươi tăng 800 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg; lúa khô tăng 200 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg; lúa hạt dài tươi tăng 700 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg, lúa khô tăng 300 đồng/kg lên mức 7.600 đồng/kg.

Nhìn lại cả năm 2020, giá lúa, gạo tại thị trường ĐBSCL biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoảng 1.500 – 2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 – 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ. Giá lúa sụt giảm thấp nhất vào khoảng tháng 2 do nguồn cung thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào và nhu cầu tiêu thụ yếu.

 



Báo cáo phân tích thị trường