Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo Thái Lan khen ngợi chiến lược gạo 'khôn ngoan' của Việt Nam
26 | 01 | 2021
Tờ Bangkok Post ngày 25/1 đăng bài 'Chiến lược gạo khôn ngoan của Việt Nam' của Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Bangkok Suwatchai Songwanich trên mục 'Tiêu điểm châu Á', đồng thời so sánh với cách tiếp cận của Thái Lan

Theo Báo mới

Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, trong tháng 1/2021 đã có một động thái đáng ngạc nhiên khi bắt đầu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Họ đang nhập khẩu gạo Ấn Độ rẻ hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi tiết kiệm sản lượng của chính họ hiện đang bán ở mức cao so với nhiều năm qua cho thị trường xuất khẩu.

Giá gạo Việt Nam gần đây đang tốt hơn so với giá gạo của Thái Lan, vốn có truyền thống được giá cao. Một lý do là Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), mở ra cánh cửa vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây cũng sẽ mở ra nhiều thị trường hơn cho gạo giá cao hơn.

Việt Nam đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này và đã nỗ lực cải thiện chất lượng cũng như chủng loại gạo của mình. Ngoài việc sản xuất ra nhiều loại gạo thơm chất lượng cao, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đang phát triển các giống lúa hướng đến những xu hướng thị trường, chẳng hạn như gạo trắng hạt mềm, cũng như tổ chức lại các phương thức sản xuất, cải thiện an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng, tăng năng suất.

Những nỗ lực này đã dẫn đến năng suất cao hơn, nhận diện thương hiệu tốt hơn và được toàn cầu khen ngợi, chẳng hạn như giành được giải gạo ngon nhất thế giới tại Hội chợ thương mại gạo thế giới năm 2019 và đứng thứ hai sau Thái Lan vào năm ngoái.

Thái Lan từng giữ ngôi vị là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng hiện đã tụt xuống vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Thái Lan cần học hỏi từ cách Việt Nam điều chỉnh thương mại để phù hợp với những diễn biến thị trường.

Gạo Thái Lan đang mất đi sự ưa chuộng trong những năm gần đây khi người tiêu dùng chuyển sang các loại gạo mềm hơn. Nước này có nguy cơ tụt xuống vị trí thứ 5 trong thập niên tới nếu vẫn tự mãn và không phát triển một chiến lược gạo dài hạn đa dạng và cạnh tranh hơn.

Có một số dấu hiệu tích cực cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang hành động trên mặt trận này. Năm 2020, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã công bố chiến lược 5 năm nhằm đẩy nhanh việc phát triển của 12 giống lúa mới gồm 4 loại gạo trắng hạt cứng, 4 loại gạo trắng hạt mềm, 2 loại gạo thơm Hom Mali Thái Lan và hai giống lúa dinh dưỡng cao.

Tuy nhiên, Thái Lan sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đánh giá từ kinh nghiệm của Việt Nam, toàn bộ chuỗi cung ứng cần được xem xét.

Năng suất của Thái Lan cũng tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực trong nhiều năm - năng suất lúa địa phương khoảng 450 kg/mẫu Thái (0,16 hectare) so với 960kg của Việt Nam và 2 tấn của Trung Quốc.

Một cách để Thái Lan có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 là phát huy lợi thế của một quốc gia sản xuất lương thực bằng cách gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả. Gạo sẽ là một điểm khởi đầu tốt.



Báo cáo phân tích thị trường