Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC THÁNG 2/2021
11 | 03 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Năm 2020, mặc dù nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng âm ở mức -1%, nhưng đây vẫn là một trong số ít các quốc gia được đánh giá cao trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID-19. Nhiều ngân hàng đầu tư lớn và các tổ chức nghiên cứu quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2021. Theo Trung tâm tài chính quốc tế Hàn Quốc ngày 27/1, trong các tổ chức nước ngoài đề cập tới tỷ lệ tăng trưởng năm 2021 của Hàn Quốc, một nửa nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng, nửa còn lại giữ nguyên dự báo hiện hành. Các tổ chức này dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng từ 2,7% đến 5% trong năm nay. Trước đó, 9 ngân hàng đầu tư quốc tế như Barclays, Goldman Sachs, JPMorgan, HSBC dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế của Hàn Quốc năm 2021 là 3,4%, tăng 0,1% so với dự báo một tháng trước. Quỹ tiền tệ quốc tế trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” công bố ngày 26/1 cũng nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm nay từ mức 2,9% lên 3,1%.

Kinh tế Hàn Quốc có thể chống đỡ tốt trước dịch COVID-19 là nhờ công tác phòng dịch tương đối thành công và xu hướng hồi phục của xuất khẩu. Việc kinh tế tăng trưởng âm trong bối cảnh xảy ra đại dịch toàn cầu là điều bất khả kháng, nhưng trong khi các nước phát triển lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu tăng trưởng từ -3% đến -10%, thì mức tăng trưởng âm của Hàn Quốc vẫn tương đối khả quan. Xuất khẩu sau một thời gian giảm đã bắt đầu quay lại đà tăng từ tháng 9 năm ngoái.

Mặc dù các tổ chức quốc tế đã nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2021, song vẫn còn tồn tại nhiều lo ngại. Xuất khẩu đang là động lực phát triển cho nền kinh tế, nhưng kim ngạch xuất khẩu giữa các ngành lại có sự cách biệt lớn. Cùng với đó là tiêu thụ nội địa đình trệ và thị trường tuyển dụng vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Trong thời gian tới tiêu thụ nội địa của Hàn Quốc sẽ khó có thể hồi phục mạnh cho tới khi hình thành được miễn dịch cộng đồng với COVID-19.

Theo Bộ Nông nghiệp - Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc, cúm gia cầm độc lực cao chủng H5N8 xuất hiện ở nước này và Nhật Bản từ tháng 10 năm ngoái rất dễ lây lan. Các mẫu virus được tìm thấy trên chim hoang dã tại Cheonan, cách thủ đô Seoul 92km về phía nam có thể khiến gia cầm mắc bệnh và chết rất nhanh. Chỉ trong vòng hơn một tháng, dịch cúm gia cầm lây lan mạnh đã khiến ngành chăn nuôi Hàn Quốc đã buộc phải tiêu hủy hơn 4 triệu con gia cầm tại các trang trại có dịch và tiến hành khoanh vùng khử trùng trong vòng bán kính 3 km từ những trang trại có dịch.

Theo đó, chỉ tính trong tháng 01/2021, giá trứng gà ở Hàn Quốc đã tăng tới 25% do đàn gà đẻ tại khắp các trang trại trên toàn quốc giảm mạnh kể từ tháng 11 năm ngoái, khi dịch cúm bùng phát. Bất chấp các nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19, giá các mặt hàng nông sản và chăn nuôi vẫn tăng lên. Theo cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng ở nước này đã tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng ở mức dưới 1% trong tháng thứ tư liên tiếp.

Chính phủ Hàn Quốc đã cho nhập khẩu khoảng 20 triệu quả trứng kể từ cuối tháng 01/2021, với nỗ lực giảm bớt nguồn cung tiềm năng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện nước này cũng có kế hoạch nhập khẩu thêm khoảng 24 triệu quả trứng trong tháng 2 để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời Chính phủ cũng đã tạm thời dỡ bỏ rào cản thuế quan đối với các sản phẩm trứng nhập khẩu, bắt đầu từ ngày 28 tháng 1 nhằm giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài ra, giới chức cũng cho phép các công ty địa phương được nhập khẩu tổng cộng 50.000 tấn trứng tươi và bảy loại sản phẩm trứng khác mà không phải chịu thuế cho đến hết ngày 30 tháng 6.

Hàn Quốc là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong xuất khẩu NLTS. Tháng 01/2021, Việt Nam xuất khẩu 180,0 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 44,8%, thứ hai là thủy sản với 33,7%, rau quả chiếm 5,2%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, chi có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2020 là rau quả và hạt tiêu.

Bản tin chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường