Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo Ấn Độ “khoác áo” gạo Việt, lo khách tháo chạy
14 | 06 | 2021
Sự chênh lệch lớn về giá giữa gạo Ấn Độ và Việt Nam dẫn đến tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, gây ảnh hưởng đến uy tín gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Pháp luật Tp.HCM

Các công ty gạo Việt Nam (VN) cho hay khách hàng tại một số nước than phiền về việc chất lượng gạo trắng của VN có dấu hiệu giảm sút. Thậm chí, họ đánh giá chất lượng gạo VN chỉ tương đương với gạo Ấn Độ trong khi giá lại cao nên ngưng mua do nghi ngờ gạo Ấn Độ giả mạo xuất xứ VN.

Nguy cơ mất thị trường

Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết mới đây đã tạm giữ nhiều container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ gạo VN. Cụ thể, theo khai báo trên tờ khai hải quan, những lô hàng gạo này có xuất xứ Ấn Độ. Thế nhưng, khi kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan lại phát hiện hai container để bao bì trắng nghi gian lận và trái với quy định phải ghi tên nhà sản xuất, xuất xứ, tên hàng... nên buộc tái xuất.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan phát hiện ba container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ được đóng gói 50 kg/bao. Trên bao bì mỗi bao gạo đều ghi rõ tên thương hiệu, địa chỉ nhà máy, địa chỉ doanh nghiệp tại VN, thành phần gạo 5% tấm... Tuy nhiên, do nghi vấn có sự giả mạo xuất xứ hàng hóa, hải quan đã lập biên bản chứng nhận, tạm giữ toàn bộ lô hàng để điều tra, xác minh làm rõ.

Trước đó, hồi tháng 3-2021, một số trường hợp nghi vấn gạo Ấn Độ giả mạo xuất xứ gạo VN cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Nhiều công ty xuất khẩu gạo cũng phản ánh gần đây có tình trạng một số công ty trong nước làm ăn kiểu chộp giật, gian lận xuất xứ hàng hóa để trục lợi. Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết các đơn vị làm ăn gian dối này đã lợi dụng giá gạo xuất khẩu cùng loại của VN thường cao hơn so với gạo Ấn Độ 70-100 USD/tấn để nhập gạo Ấn Độ về nước ta rồi tái xuất kiếm lời khủng.

Đi vào chi tiết hơn, ông Phan Văn Có chỉ rõ: Đầu tiên, một số công ty trong nước nhập gạo Ấn Độ về nước ta với giá rẻ cùng bao bì trắng rồi đóng gói, tái xuất khẩu sang nước khác mang xuất xứ VN bán được giá cao. Không chỉ vậy, một số công ty làm ăn gian dối còn đóng gói ngay tại Ấn Độ, in bao bì nhãn hiệu thông tin tên gạo, nhà máy, doanh nghiệp sẵn của VN rồi nhập vào nước ta để tái xuất. Một hình thức gian lận xuất xứ nữa là nhập gạo Ấn Độ về kho ở các tỉnh miền Tây rồi mới trộn với gạo trắng cùng loại, đóng bao xuất khẩu.

“Hệ quả là mới đây, công ty tôi chào bán gạo sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ thì bị khách hàng chê gạo VN xấu, cũ y như gạo Ấn Độ… mà lại bán giá đắt. Họ nghi ngờ gạo Ấn Độ giả mạo xuất xứ VN. Thậm chí, khách hàng còn đưa ra những số liệu về lượng gạo từ Ấn Độ xuất khẩu sang VN để dẫn chứng cho quyết định của mình. Tôi nhờ khách hàng gửi mẫu gạo cho tôi kiểm tra thì đúng là gạo Ấn Độ. Vì vậy, chúng tôi phải gửi mẫu gạo của công ty mình sang cho họ xem nhằm thuyết phục họ chấp thuận mua hàng” - ông Có nói.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng phân tích: Theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%. Lợi dụng sự chênh lệch này, một số đơn vị kinh doanh gian lận, giả mạo xuất xứ gạo nước ta để kiếm lợi bất chính. Vì vậy, một số khách hàng nước ngoài đã ngưng mua gạo của VN vì lo ngại mua phải gạo Ấn Độ mạo danh xuất xứ VN.

Cần đưa gạo nhập vào luồng đỏ

Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE Phan Văn Có nói thẳng rằng chỉ có những công ty làm ăn chộp giật, cơ hội mới gian lận xuất xứ. “Để giữ khách hàng, những nhà xuất khẩu gạo nhiều năm, làm ăn uy tín thì không bao giờ làm như vậy. Bởi họ ý thức rằng nếu gian lận xuất xứ, “tráo hàng” kiểu gì cũng bị phát hiện, khách hàng sẽ không bao giờ mua hàng nữa” - ông Có nhấn mạnh.

Ông cũng cảnh báo tình trạng gạo Ấn Độ được nhập về nước ta rồi gắn mác hàng Việt sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành xuất khẩu gạo, gây mất uy tín về chất lượng, thương hiệu gạo VN. “Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần đưa mặt hàng gạo nhập từ Ấn Độ vào luồng đỏ, kiểm 100% hàng hóa để phát hiện, xử phạt những công ty giả mạo xuất xứ. Đồng thời cơ quan quản lý cần giám sát các trường hợp công ty nhập gạo Ấn Độ về nhưng lại tái xuất với xuất xứ VN” - ông Có đề xuất.

Chuyên gia lúa gạo Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại trước thông tin gạo VN bị gian lận xuất xứ vì nó gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành này của nước ta. Bởi hiện gạo VN đang có thương hiệu tốt trên thị trường thế giới sau khi giành giải Gạo ngon nhất thế giới (năm 2019), hơn nữa chất lượng gạo rất tốt nên bán được giá, cao hơn cả gạo Thái Lan.

“Vì vậy, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”. Cụ thể, các cơ quan hải quan, bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát chống gian lận xuất xứ với mặt hàng gạo. Nếu VN không mạnh tay chấn chỉnh ngay tình trạng gian lận thì sẽ mất khách hàng, mất thị trường xuất khẩu vào tay các đối thủ khác” - ông Long nhấn mạnh.

Cục Hải quan TP.HCM cho biết đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ… đối với nhiều mặt hàng, bao gồm cả gạo trắng.

Việt Nam bất ngờ nhập nhiều gạo từ Ấn Độ

Trong thời gian qua, VN đã gia tăng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ thông tin ngay từ đầu năm nay, lần đầu tiên Ấn Độ xuất khẩu gạo sang VN do giá gạo nước này đang thấp. Hiệp hội Lương thực VN sau đó xác nhận đúng là lần đầu tiên nước ta nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.

Cụ thể, ban đầu các công ty của Ấn Độ đã ký hợp đồng với các công ty VN giao 70.000 tấn gạo 100% tấm với giá 310 USD/tấn theo phương thức FOB. Sau đó, các công ty Việt tiếp tục mua một số loại gạo khác từ Ấn Độ.

Gạo Ấn Độ núp bóng gạo Sa Mơ bán giá cao

Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, cho hay không chỉ gắn mác gạo Việt để xuất khẩu, gạo Ấn Độ còn được một số đơn vị nhập về và đóng bao, gắn tên loại gạo đang bán trên thị trường VN để tiêu thụ nội địa.

“Tại một số đại lý, giá bán gạo trắng loại 5% tấm từ Ấn Độ nhập về chỉ khoảng 11.000-11.200 đồng/kg. Nhưng khi bán ra thị trường có giá lên tới 13.500-14.500 đồng/kg bằng cách đóng bao bì tên loại gạo Sa Mơ có chất lượng tốt” - ông Có dẫn chứng.

 


Báo cáo phân tích thị trường