Khó khăn chồng khó khăn
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, ngành điều Việt Nam đã xuất khẩu được 273.000 tấn, đạt kim ngạch 1,64 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu này cho thấy, có sự chênh lệch rõ ràng giữa con số tăng về lượng nhưng con số tăng về giá trị xuất khẩu lại không tương xứng. Sở dĩ có sự chênh lệch này là bởi ngành điều đang phải đối diện với nhiều khó khăn không chỉ do đại dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều đã mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận khách hàng tốt hơn so với năm ngoái, nhưng do giá xuất khẩu trong quý I/2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020, nên dù giá xuất khẩu trong quý II/2021 có nhỉnh hơn nhưng vẫn khó có giá trị như những năm trước đây. Điều này đã dẫn đến khối lượng xuất khẩu điều có tăng nhưng giá trị chưa tăng tương xứng.
Thêm vào đó, khi giá xuất khẩu nhân điều chưa tăng nhiều, các doanh nghiệp nhập khẩu điều thô lại phải đối diện với giá nguyên liệu tăng, do công suất chế biến của ngành điều Việt Nam lớn, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ cung ứng đã dẫn đến hệ quả tranh mua nguyên liệu phục vụ cho nhà máy.
Cùng với đó là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 toàn cầu khiến các thị trường phải thực hiện giãn cách xã hội, giảm giao thương dẫn đến tình trạng thiếu container, phí vận chuyển tăng phi mã.
Các chuyên gia ngành chế biến điều dự báo, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu đến năm 2024 sẽ đạt 13,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,2% trong chu kỳ 5 năm từ 2019 - 2024.
Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tăng là do nhu cầu sử dụng đồ ăn nhẹ đảm bảo sức khỏe lành mạnh tăng
ộng hưởng theo nhu cầu đồ ăn nhẹ từ hạt điều gia tăng đã kéo theo các quốc gia xuất khẩu điều thô của châu Phi cũng dần hình thành nhà máy chế biến điều, tạo nhân tố cạnh tranh với ngành điều Việt Nam.
Ngoài ra, trong giai đoạn thu hoạch điều, diễn biến thời tiết không thuận lợi cho cây điều kết trái, dẫn đến năng suất thấp hơn, chất lượng hạt điều cũng khó đáp ứng yêu cầu người thu mua giá cao. Người dân trồng điều cũng không thể bán được giá cao bởi giá xuất khẩu không cao như mong muốn.
Bình Phước, một trong các địa phương có diện tích trồng điều lớn, lên đến 137.000 ha và điều thuộc nhóm dẫn đầu về cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân trong tỉnh.
Thế nhưng, diễn biến thời tiết bất lợi và toàn cảnh xuất khẩu điều của Việt Nam cũng đã tác động lớn đến địa phương này.
Ông Hùng Lộc, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết, gia đình ông sản xuất 4 ha điều. Thế nhưng vụ điều năm nay năng suất thấp hơn vụ điều năm 2020. Thời tiết diễn biến thất thường nên đã ảnh hưởng đến quá trình ra bông, đậu trái của cây điều. Hầu hết đợt ra bông lần 2, 3 đều bị hư hại.
Tăng chế biến sâu để tăng giá trị
Giải bài toán giá trị ngành điều, khôi phục lại vị thế xuất khẩu giá trị cao của hạt điều là vấn đề toàn ngành điều mong mỏi. Đây cũng chính là góp phần khôi phục giá trị một trong 9 mặt hàng chủ chốt của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc tăng giá trị ngành điều bằng cách tăng nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, sau đó xuất khẩu lại đã không còn là giải pháp tối ưu, vì nhập nguyên liệu, sơ chế, chế biến chỉ mang lại một phần lợi nhuận nhỏ. Thêm vào đó, nhập khẩu nguyên liệu sẽ khiến cho nông dân trồng điều trong nước gặp thêm khó khăn mới.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, việc gia tăng nhập khẩu điều thô đang khiến nông dân trồng điều trong nước rơi vào cảnh khó tiêu thụ điều tươi khi vào mùa thu hoạch.
Vụ điều vừa qua, thời tiết không thuận lợi đã khiến nhiều vườn điều giảm năng suất. Trong khi đó, doanh nghiệp lại tăng cường nhập khẩu điều thô đã đẩy giá điều tươi trong nước xuống thấp khi vào chính vụ điều.
Trong khi đó, công suất của các nhà máy chế biến điều Việt Nam lên đến 1,6 triệu tấn/năm, nhưng nguồn nguyên liệu nhập khẩu những năm trước lại chiếm đến 3/4 công suất chế biến. Điều này chứng tỏ lợi nhuận mang về từ ngành điều hầu hết bị các quốc qua xuất khẩu điều thô thụ hưởng.
Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS, trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điều nhân sơ chế với giá 10 USD/kg, trong khi điều nhân thành phẩm được bán ở các thị trường quốc tế có giá 30 USD/kg.
Các nhà máy chế biến sâu điều Việt Nam hiện nay chỉ chiếm từ 12 - 15% công suất nhân điều sơ chế. Như vậy, Việt Nam hiện chỉ đang chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều. Giá trị còn lại thuộc các nhà phân phối, rang chiên quốc tế.
Để có thể nâng cao chuỗi giá trị ngành điều, tận dụng nguồn lực công nghệ sơ chế hiện nay, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư cho công nghệ chế biến nhân điều, đổi mới thiết bị để nâng sản phẩm chế biến điều sâu lên hơn 30% để giữ vững vị thế xuất khẩu, mang lại giá trị thực cho ngành điều Việt Nam.
Cụ thể, các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam vừa đầu tư công nghệ sơ chế nhân điều, tạo chất lượng điều nhân tốt hơn, vừa đầu tư công nghệ chế biến sâu hạt điều, tạo thành phẩm cuối cùng của hạt điều trong chế biến sâu. Có như vậy ngành điều Việt Nam mới tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông Công chia sẻ thêm.