Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT
Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12 năm 2020 đạt 225 nghìn tấn với giá trị 358 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su cả năm 2020 đạt 1,75 triệu tấn và 2,38 tỷ USD, tăng 2,8% về khối lượng và tăng 3,5% về giá trị so với năm 2019. Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1.328,1 USD/tấn, giảm 1,53% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 76,8%, 3,7% và 2,1%.
Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 12/2020 ước đạt 150 nghìn tấn với giá trị 200 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu năm 2020 đạt 1,1 triệu tấn và 1,43 tỷ USD, tăng 45,1% về khối lượng và tăng 17,2% về giá trị so với năm 2019. Campuchia (chiếm thị phần 26,4%), Hàn Quốc (14,9%), Nhật Bản (10,4%) là ba thị trường cung cấp cao su nhập khẩu chính cho Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2019, giá trị nhập khẩu cao su từ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt 11,4% và 11,7%, trong khi nhập khẩu từ Campuchia tăng 139,5%.
Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước tháng 12/2020 diễn biến giảm cùng với xu thế trên thị trường thế giới. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước giảm 20 đồng/kg xuống 320 đồng/độ, mủ cao su giữ ở mức 12.000 đồng/kg. Giá mủ tại Đồng Nai giảm 1000 đồng/kg xuống 12.000 đồng/kg.
Giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) giảm trở lại trong nửa đầu tháng 12, sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 11. Giá cao su giảm do không chắc chắn về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ và các ca mắc mới Covid-19 vẫn không ngừng tăng tại Mỹ và châu Âu gây áp lực tâm lý lên thị trường. Kết thúc phiên giao dịch 11/12, hợp đồng benchmark kỳ hạn tháng 5/2021 đạt 229,9 yên/kg, giảm 20,2 yên (tương đương 8,8%) so với phiên cuối tháng 11. Tuy nhiên, khi triển vọng gói kích thích kinh tế Mỹ sáng sủa hơn, giá cao su tăng nhẹ, đạt mức 244 yên/kg.
Giá cao su physical trên thị trường châu Á diễn biến giảm trái chiều với thị trường kỳ hạn. Cụ thể, RSS3 Thái Lan ngày 16/12 ở mức 2,31 USD/kg, giảm 0,19 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,60 USD/kg, giảm 0,06 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,58 USD/kg, giảm 0,08 USD/kg; SIR20 Indonesia ở mức 1,59 USD/kg, giảm 0,08 USD/kg so với ngày 2/12.
Dự báo thị trường cao su:
Nhu cầu đối với cao su trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng do dự báo nền kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới - sẽ tiếp tục cải thiện, nhất là vào năm 2021, từ đó đẩy nhu cầu cao su thiên nhiên tăng theo, trong khi nguồn cung có thể bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. Dự báo nhu cầu đối với cao su sẽ tăng khi các hãng ô tô đẩy tăng sản lượng. Tiêu thụ ô tô ở Trung Quốc đã tăng 13% trong tháng 9/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Hãng Nissan Motor Co. có kế hoạch đẩy tăng sản lượng ở Trung Quốc thêm khoảng 30% vào năm 2021, theo báo Yomiuri. Trung Quốc đang nổi lên trở thành điểm sáng của ngành ô tô, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu ở Mỹ và Châu Âu.
Trong báo cáo mới nhất vừa công bố giữa tháng 10, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã nâng dự báo tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2020 thêm 67.000 tấn lên 12,611 triệu tấn, mặc dù con số đó vẫn thấp hơn 8,4% so với năm 2019. Lý do điều chỉnh tăng bởi nhận định lạc quan hơn về thị trường Trung Quốc sau những số liệu kinh tế mới công bố gần đây. Dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ 1,38 triệu tấn cao su trong quý IV/2020, gần sát mức 1,40 tấn của cùng kỳ năm trước; và tổng khối lượng cao su nhập khẩu vào nước này trong năm 2020 sẽ tăng 1,6% so với năm 2019; tiêu thụ ở Ấn Độ cũng sẽ tăng theo đà hồi phục kinh tế sau giai đoạn phong tỏa.
ANRPC nhận định, sản xuất cao su thiên nhiên năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh làm khan hiếm nhân lực lao động và gây khó khăn cho việc vận chuyển, khiến sản lượng cao su thiên nhiên thế giới giảm 8,7% trong 8 tháng đầu năm 2020, xuống 7,778 triệu tấn, và dự báo sẽ giảm tiếp 3% trong 4 tháng còn lại của năm 2020. ANRPC dự báo sản lượng cả năm 2020 sẽ giảm 6,8% so với năm 2019, xuống 12,901 triệu tấn, chủ yếu do sự sụt giảm ở Thái Lan và Ấn Độ, trong đó riêng của Thái Lan sẽ giảm 332.000 tấn, xuống 4,478 triệu tấn. Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAoT - The Rubber Authority of Thailand) dự báo sản lượng cao su nước này năm nay cũng sẽ giảm khoảng 10% so với bình thường do khu vực miền nam nước này bị mưa triền miên. Đối với Trung Quốc, sản lượng cao su ở nước này có thể giảm 30% trong năm 2020 so với năm trước do những trận bão lớn ở đảo Hải Nam và hạn hán ở Vân Nam làm thiệt hại nghiêm trọng tới cây cao su.
Triển vọng giá vẫn khả quan do ngành ô tô thế giới hồi phục và kinh tế Trung Quốc dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt. Nhu cầu cao su ở Trung Quốc đã tăng nhanh sau khi các chính quyền địa phương bắt đầu kích thích sử dụng xe ô tô nhỏ, từ đó thúc đẩy các hãng sản xuất lốp xe tăng sản lượng gấp 3 lần.