Trung tâm Tin học và Thống kê nhận định, xuất khẩu cao su của Việt Nam năm nay sẽ không có tăng trưởng đột biến nào do kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, các nước nhập khẩu cao su chính của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản…vẫn còn dư lượng tồn kho cao su thiên nhiên lớn.
Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm liên tục từ đầu năm. Tháng 6/2014, giá xuất khẩu trung bình cao su SVR 3L đạt 1.965 USD/tấn, giảm 14,37% so với tháng 1 và giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu cao su SVR 10 và SVRCV 60 lần lượt giảm 27,2% và 11,5% so với giá hồi đầu năm, tương ứng đạt 1.634 USD/tấn và 2.065 USD/tấn. Giá cao su Latex giảm nhẹ hơn, giảm10,09% so với đầu năm, ở 1.349 USD/tấn.
Trong nhóm 9 thị trường xuất khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam, Nhật Bản là nước có mức tăng trưởng mạnh nhất về sản lượng, lên tới 33%, nhưng xét về giá trị thì lại không tăng so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân do giá cao su trên thị trường thế giới đều giảm. Các nước còn lại đều có mức tăng trưởng không như mong đợi như Ấn Độ tăng 10% về sản lượng nhưng giảm tới 18%giá trị so với cùng kỳ. Đức là thị trường sụt giảm mạnh nhất cả về giá trị và sản lượng, giảm tới21% sản lượng và 40% giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Theo tổ chức Nghiên cứu Cao su thế giới (IRSG), sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2014 dự báo tăng 3,4% lên 12,1 triệu tấn. Sản lượng được dự báo tăng ở Ấn Độ và Việt Nam nhưng giảm ở Thái Lan.
Cũng theo (IRSG) dư thừa cao su thiên nhiên thế giới năm 2014 lên đến 714.000 tấn. Trong khi đó, Công ty tư vấn Rubber Economic, trụ sở tại London, dự báo cao su thiên nhiên năm nay sẽ dư thừa 652.000 tấn, tạo ra lượng tồn kho cao su lớn nhất trong vòng một thập niên trở lại đây.
Nguồn: TT Tin học và Thống kê, Bộ NN&PTNT