Nguồn: Haiquanonline.com.vn
|
Năm 2021, toàn ngành nông nghiệp có 10 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nguồn: Internet |
Theo đánh giá mới nhất của Bộ NN&PTNT về “bức tranh” toàn cảnh xuất nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2021, thì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể như, giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu; thiếu hụt lao động; ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics).
Bên cạnh đó, các thị trường quốc tế xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng; thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông, lâm, thuỷ sản quốc tế.
Tuy nhiên, toàn ngành đã thực hiện quyết liệt chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện “mục tiêu kép”; chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường với các nước như Peru, Australia...; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu.
Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả năm vượt qua nhiều dự báo trước đó, đạt kết quả kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính đạt 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính đạt 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản đạt trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi đạt 434 triệu USD, tăng 2,1%.
Đáng chú ý, toàn ngành có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu); trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su).
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad, Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm qua ngành nông nghiệp đã tập trung giải quyết vướng mắc rào cản an toàn thực phẩm các thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, đã tổ chức thành công thanh tra trực tuyến để 13 doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; bổ sung 19 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nga; 67 cơ sở xuất khẩu sang Hàn Quốc; 31 cơ sở xuất khẩu sang Trung Quốc; 52 cơ sở xuất khẩu sang EU; đàm phán với Brazil về “gói 4 mặt hàng nông sản”, với Ả rập Xê út về tái xuất thủy sản nuôi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng chỉ rõ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã chưa phổ biến và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp.
Nguyên liệu sản xuất vật tư đầu vào còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá cả tăng cao. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thực phẩn như giá thịt lợn, gia cầm giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thu nhập của nông dân.
Mặc dù trị giá xuất khẩu tăng nhưng trị giá nhập khẩu tăng cao hơn, dẫn tới thặng dư thương mại thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD, giảm 40,8% so với năm 2020).
Thời gian tới, toàn ngành xác định từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành.
Bên cạnh đó, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 (tranh thủ các FTA và tranh thủ quan hệ đang tốt đẹp giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU), áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng, truy suất nguồn gốc…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận: năm 2021, nếu nói một từ duy nhất về ngành nông nghiệp thì đó là từ “biến”. Nhưng qua sự biến động cũng nhìn rõ ưu, khuyết điểm và cũng là động lực để chuyển đổi mạnh mẽ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp.
“Khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thứ hạng nào đó trong sản lượng nông sản có thể giảm nhưng quan trọng là mang lại giá trị cao hơn, giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn”, “tư lệnh” ngành nông nghiệp nhấn mạnh.