Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong nửa cuối tháng 4/2022, đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn ngập và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường với ưu thế giá rẻ hơn giá thành đường từ mía, khiến cho đường sản xuất từ mía không thể tiêu thụ. Sự bế tắc đầu ra đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại.
Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam dẫn chứng số liệu nhập khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào (theo dữ liệu xuất khẩu do Thái Lan công bố) cho thấy sự gia tăng mạnh trong quý 1/2022. Cụ thể, trong quý 1/2022, Campuchia đã nhập khẩu đường từ Thái Lan 163.821 tấn, tăng 25%, còn Lào nhập khẩu 112.251 tấn, tăng đến mức 172% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Lào trong 3 tháng đầu năm 2022 gần bằng với mức nhập khẩu cả năm 2021.
"Đối chiếu dữ liệu nhập khẩu đường quý 1/2022 của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch 57.310 tấn từ Campuchia và 68.988 tấn từ Lào, chiếm chưa đến 50% lượng đường hai nước Campuchia và Lào đã nhập từ Thái Lan cùng thời gian đó, và hầu như lượng đường còn lại sẽ được nhập lậu vào Việt Nam. Điều này đã giải thích cho hiện tượng đường Thái Lan nhập lậu đang tràn ngập thị trường đường tự do của Việt Nam từ Bắc chí Nam"- Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định.
Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các vụ việc buôn lậu được phát hiện chỉ là phần rất nhỏ của các hoạt động thương mại đường nhập lậu, vì đường Thái Lan và đường Campuchia (thực chất cũng là đường Thái Lan đóng bao Campuchia) xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rẻ hoặc dưới hình thức đường đóng cây 12 kg và đường đóng túi 1 kg của các cơ sở sang chiết đóng gói.
Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại. Tuy nhiên, hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát cuối từ tháng 12/2021 cho đến nay vẫn chưa giảm nhiệt, cho thấy công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đương nhập lậu vẫn còn nhiều kẽ hở và đang bị các đối tương kinh doanh phi pháp lợi dụng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong quý 1/2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến (mức tăng từ 187.251 tấn lên 391.468 tấn, tức tăng 109%) từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam. Hiệp hội Mía đường nhận định điều này hoàn toàn không phải từ năng lực cạnh tranh mà thực chất toàn bộ lượng đường nhập khẩu kể trên đều đang sử dụng hành lang ATIGA để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.
Lượng đường nhập khẩu tăng mạnh cộng với đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam tràn ngập thị trường do các biện pháp quản lý chưa hiệu quả và đường sản xuất từ mía trong nước vụ ép 2021/2022 trong khi sức cầu kém trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 khiến cho thị trường tiếp tục bị thừa cung và đẩy giá đường thị trường xuống dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía và khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.