Nguồn: Vietnambiz.vn
Chia sẻ với phóng viên TTXVN về điều tra dấu hiệu rửa nguồn, né thuế với đường của 5 nước ASEAN thời gian qua, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế cụ thể lần lượt là 42,99% và 4,65%.
Thực tế cho thấy sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng từ giữa tháng 2/2021, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã bắt đầu giảm mạnh.
Tuy nhiên, lượng nhập khẩu đường từ các nước ASEAN khác để sản xuất và tiêu thụ trong nước. Cụ thể là từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar gia tăng nhanh chóng.
Đáng lưu ý, giai đoạn từ giữa tháng 2 đến hết tháng 12/2021 sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời, tổng lượng nhập khẩu đường từ các nước ASEAN nói trên là 853.880 tấn; trung bình khoảng 85.000 tấn/tháng, tăng 194% so với lượng nhập khẩu giai đoạn trước đó và thậm chí tăng 255% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các nước nói trên đều là các quốc gia nhập khẩu ròng đường, đặc biệt là nhập khẩu từ Thái Lan chiếm tỷ trọng lớn.
Như vậy, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy đường từ Thái Lan có thể nhập khẩu thông qua các nước ASEAN để lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Việc này làm suy giảm hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang được áp dụng và gây bức xúc cho ngành mía đường và người dân trồng mía.
Xu thế này đã được Bộ Công Thương dự báo từ sớm nên sau một thời gian thu thập chứng cứ, ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ một số nước ASEAN nói trên.
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, hiện tại vụ việc đang trong quá trình điều tra, thu thập thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và Chính phủ của các nước bị điều tra cũng như các doanh nghiệp của ngành sản xuất trong nước.
Về nguyên tắc, việc điều tra nhằm xác minh liệu có hành vi lẩn tránh của đường Thái Lan qua 5 nước ASEAN nói trên hay không. Cụ thể là xác minh có tồn tại hay không hành vi các sản phẩm đường của Thái Lan như đường thô, đường trắng, đường tinh luyện được xuất khẩu sang các nước ASEAN nói trên, được gia công đơn giản tại các nước này.
Chẳng hạn như tinh luyện, đóng gói… rồi sau đó xuất khẩu sang Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với đường Thái Lan. Theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương, thời hạn điều tra vụ việc là 6 tháng và trong trường hợp phức tạp, có thể gia hạn thêm 6 tháng.