Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thừa đường nội nhưng vẫn phải nhập!
02 | 10 | 2009
Một số doanh nghiệp không thống nhất được giá cả nên không chịu mua đường trong nước sản xuất mà cứ đòi nhập.

Diễn biến thị trường đường trong nước đang có chiều hướng căng thẳng khi doanh nghiệp (DN) sản xuất và DN mía đường, lẫn cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung.

Doanh nghiệp phải mua giá cao

Ông Phạm Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica), cho biết hiện tại lượng đường dự trữ chỉ đáp ứng đủ tình hình sản xuất của công ty đến hết tháng 10. Theo ông Thiện, chưa hẳn đã khan hiếm đường nhưng công ty phải bấm bụng mua giá cao tới 14.000 đồng/kg thì mới có hàng trong khi trước đây chỉ 9.000-10.000 đồng/kg.

Đường có dấu hiệu khan hiếm và tăng giá ngay trong mùa cao điểm đã ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của Bibica. Theo tính toán của Bibica, giá đường tăng dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên 5% giá thành. Nếu thị trường đường còn biến động thì có khả năng trong thời gian tới Bibica sẽ tăng giá bán 4%-5% để bù đắp chi phí.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc quan hệ công chúng Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), cho biết giá đường cao phần nào ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Hiện tại Nutifood có hợp tác với nhà máy đường Biên Hòa nên lượng đường cung cấp tương đối đầy đủ, chỉ có điều là giá tăng.


Tuy giá thành đầu vào tăng nhưng do có cam kết với người tiêu dùng nên từ đây đến cuối năm Nutifood sẽ không tăng giá. “Biện pháp mà công ty đưa ra trong lúc này là tái bố trí cơ cấu sản xuất, cắt giảm những chi phí kinh doanh, khuyến mãi để đảm bảo bán đúng giá như cam kết” - ông Đức nói.

Bộ Công thương: Phải nhập để đáp ứng nguồn cung

Để xoa dịu cơn sốt đường trong nước, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết bộ này đang xem xét cho các DN lớn nhập thêm 10.000 tấn đường trong thời gian tới.

Bộ Công thương nhận định nguyên liệu đang thiếu mà không cho nhập là điều hết sức vô lý. Hơn nữa, nghịch lý hiện nay là giá đường nội đang đắt hơn giá đường ngoại nhập tới 3.000 đồng/kg.


Do vậy, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT có chỉ đạo, vận động các DN mía đường tìm mọi cách đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở sử dụng đường lớn. Trách nhiệm của Bộ Công thương là phải đảm bảo bình ổn thị trường. Do vậy, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đưa ra con số chính thức về tình hình cung ứng đường để dựa vào đó Bộ Công thương cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu lượng đường thiếu hụt.

Nhưng cho đến hôm qua, ông Xuân cho biết vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía Bộ NN&PTNT. Do đó, hiện vẫn chưa có quyết định chính thức về việc nhập khẩu đường. Việc cấp phép hạn ngạch nhập khẩu lượng đường thiếu hụt cần được triển khai khẩn trương để đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Hiệp hội Mía đường: “Không phải nhập”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết ông vẫn đang theo dõi sát sao tình hình giá đường. Hiện các nhà máy đang tồn kho 110.000 tấn. Giữa tháng 9, 10 nhà máy đường tại đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào mùa vụ mới, hằng ngày cho ra một lượng đường rất lớn nên không thể có chuyện thiếu đường.

Vừa qua, hiệp hội cùng với Bộ NN&PTNT giới thiệu cho các DN tiêu thụ sản lượng đường lớn như Vinamilk, Kinh Đô, Coca Cola... một số nhà máy sản xuất đường tinh luyện nhằm bảo đảm sản xuất kinh doanh. Những DN sản xuất đường cũng cam kết sẽ bán thấp hơn giá công bố 2.000-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, một số DN được giới thiệu đã không thống nhất được giá cả nên không chịu mua đường do DN trong nước sản xuất mà cứ đòi nhập.

Theo ông Đàng, việc đòi nhập khẩu đường trong lúc này sẽ không có lợi cho cả DN sản xuất lẫn DN mía đường. Lý do, phải hơn hai tháng sau đường nhập khẩu mới về tới nơi trong khi thời điểm này, các nhà máy đường đẩy mạnh công suất lại không có ai mua. Ngày 28-9, Hiệp hội Mía đường đã có văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT khẳng định rõ rằng đường sản xuất trong nước sẽ không thiếu.

Theo ông Đàng, từ đây đến cuối năm, mỗi tháng các nhà máy cho ra 300.000 tấn đường trong khi mỗi tháng cả nước chỉ tiêu thụ 90.000 tấn. Trong năm tới, dự kiến sản xuất khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2009 nên không có lý do gì để phải nhập khẩu đường. Ngoài ra, việc hạn chế nhập khẩu chính là bảo đảm cuộc sống của hơn ba triệu người liên quan đến sản xuất đường.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Cần làm rõ ai hưởng lợi từ chính sách bảo hộ

Trách nhiệm của các bộ ngành là cần phải khảo sát xem có việc thị trường trong nước đang khan đường thật không và nếu thiếu hụt thì số lượng là bao nhiêu. Nhưng vấn đề sâu xa là phải làm rõ ai được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ. Liệu người nông dân có được hưởng không hay là các DN sản xuất đường trong nước và các nhà phân phối được hưởng lợi lớn. Một điều chắc chắn là khi giá đường lên cao thì người tiêu dùng trong nước sẽ gánh chịu. Về mặt cam kết WTO, chúng ta hoàn toàn có thể có bảo hộ thị trường trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhưng nên sử dụng biện pháp này một cách hợp lý.

Nếu có nhập 10.000 tấn đường trong thời điểm cuối năm này cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm nay. Điều đáng quan tâm là lượng đường nhập về là bao nhiêu để đảm bảo sản xuất và tiêu dùng trong nước thì cần phải có khảo sát và đánh giá một cách thận trọng. Nếu lượng đường nhập về vượt quá nhu cầu thì sẽ rất nguy hiểm. Khi đó giá sẽ rớt và nhà nhập khẩu sẽ thua lỗ, thiệt hại cho toàn xã hội nói chung.



Theo Pháp luật
Báo cáo phân tích thị trường