Sơ kết sản xuất lúa năm 2009 khu vực phía Nam tổ chức tại Đồng Tháp hôm 25/9, ông Phạm Văn Dư, cục phó cục Trồng trọt cho hay, tại đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng lúa hàng hoá cần phải tiêu thụ từ nay đến cuối năm khoảng 2,4 triệu tấn.
Trong đó, lúa hè thu còn tồn đọng ước trên 1 triệu tấn. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng, Chính phủ giao trách nhiệm thu mua 5 triệu tấn, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã mua vào sản lượng hàng hoá hơn 5,6 triệu tấn (quy gạo). VFA phải mua 3 triệu tấn của vụ đông xuân và 2 triệu tấn lúa vụ hè thu… nhưng các địa phương thì cứ mãi kêu tồn đọng.
Tỉnh An Giang là địa phương thành công nhất vùng với chương trình sản xuất lúa chất lượng cao, vậy mà tới thời điểm này lượng lúa còn tồn đọng trong dân khoảng 250.000 tấn, chiếm 14% tổng sản lượng. Đó là chưa kể sản lượng lúa vụ thu đông chưa thu hoạch.
Ông Nguyễn Hữu An, chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: “Tổng lượng gạo tồn trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có trên 367.000 tấn. Ngay vụ hè thu năm ngoái, trong tổng lượng lúa tồn đọng ở An Giang có 80% là lúa chất lượng cao”.
Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Giống lúa chất lượng cao phải được hiểu theo khái niệm nông học: hạt dài, không bạc bụng, cơm mềm...”.
Trong lúc đó, điểm lại tình hình mấy năm qua, ông An nói rằng, nông dân đã bị bỏ mặc ngay cả khi đầu tư sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương. Nguyên nhân là các nhà xuất khẩu có cách nhìn khác về chất lượng cao.
Ông Trương Thanh Phong, khuyến cáo: “Xu thế thế giới đang chuyển dần sang tiêu thụ gạo chất lượng cao. Ngay cả châu Phi bây giờ cũng từ chối ăn gạo 25% tấm”.
Như vậy đã có cách hiểu khác nhau về “chất lượng cao”. Nhà sản xuất thì hiểu chất lượng cao là giống chất lượng cao. Nhà xuất khẩu thì hiểu là lúa nào có thể cho được gạo có tỷ lệ phần trăm tấm thấp là chất lượng cao. Kết quả là dù nông dân có trồng giống chất lượng cao như khuyến cáo thì cũng khó tiêu thụ.