Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ, Pakistan hy vọng chính phủ tiến hành biện pháp cắt giảm lượng đường tồn kho
28 | 08 | 2007
Trong bối cảnh dư thừa một lượng đường lớn sau vụ mùa bội thu và nhập khẩu quá nhiều, giới thương nhân tại Ấn Độ và Pakistan đang hy vọng chính phủ 2 nước sẽ tiến hành các biện pháp để cắt giảm lượng đường tồn kho và cải thiện giá. Trong khi thương nhân tại Ấn Độ hy vọng New Dehli sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đường, thì ngành đường tại nước láng giềng Pakistan đã và đang thúc giục Islamabad áp đặt thuế để hạn chế nhập khẩu thêm.

Về phía cầu, các nhà cung cấp đang hy vọng về khả năng mua thêm đường từ Indonesia - nước nhập khẩu đường lớn nhất Đông Nam Á. Các nhà xuất khẩu Thái Lan cũng đang tìm kiếm các khách mua tại Trung Quốc.

Việc Ấn Độ chuẩn bị có một niên vụ mía đường 2006/07 với mức sản lượng dự đoán gần 23 triệu tấn đã khiến các quan chức ngành đường hy vọng chính phủ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu kể từ tháng 11 – sau khi kết thúc mùa lễ hội Diwali vào cuối tháng 10.

Sản lượng đường Ấn Độ trong niên vụ 2005/06 (đã kết thúc vào tháng 9/06) ước đạt khoảng 19,5 triệu tấn, cao hơn so với mức tiêu thụ hàng năm vào khoảng 18 triệu tấn.

Được biết, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn đường tính tới tháng 7/06 - thời điểm chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu để kìm chế tăng giá nội địa.

Trong thời gian qua, giới thương nhân luôn chờ đợi việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu để có thể thu lợi từ việc giá đường thế giới tăng cao. Hiện tại, giá đường trên thị trường thế giới đã giảm đáng kể, xuống mức khoảng 365 USD/tấn (FOB), so với mức  470 – 480 USD/tấn đạt được trong tháng 7/06. Theo M. Manikam – Giám đốc điều hành của Sakthi Sugars Ltd, mặc dù giá đường thế giới giảm, song xuất khẩu vẫn tỏ ra có lợi bởi giá đường nội địa cũng đã tụt giảm đáng kể.

Tại nước láng giềng Pakistan, các nhà máy đường đã trì hoãn hoạt động ép mía sau khi chưa giải quyết được bất đồng giữa các nhà máy và chính phủ về thuế nhập khẩu và hoạt động bán ra thị trường nội địa của Tổng công ty mía đường Pakistan (TCP) ở mức giá chiết khấu thấp hơn bình thường.

Các nhà máy đã và đang yêu cầu chính phủ áp đặt thuế nhập khẩu đường 20%. Trước đó, Pakistan thực hiện nhập khẩu đường miễn thuế vào tháng 2 năm ngoái để bổ sung vào lượng cung thiếu hụt trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TCP và giới tư thương đã ký kết hợp đồng mua hơn 1 triệu tấn đường thô và đường tinh luyện, khiến thị trường nội địa rơi vào tình trạng dư thừa cung.

Các quan chức ngành đường hy vọng, sản lượng đường Pakistan sẽ đạt 3,5 triệu tấn trong niên vụ mới, và cũng lo ngại lượng tồn kho sẵn có sẽ càng gây thêm sức ép lên giá đường. Theo ông Zaka Ashraf - Chủ tịch của Hiệp hội các nhà máy đường Pakistan, các nhà máy sẽ không thể bắt đầu công tác ép mía trước tháng 1/07 nếu chính phủ từ chối yêu cầu đánh thuế nhập khẩu đường của họ.

Tại Indonesia, các nguồn tin của ngành đường cho biết, nước này có thể sẽ nhập khẩu thêm đường bởi thời tiết thất thường đã đe doạ giảm sản lượng nội địa. Trước đó, Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 2,48 triệu tấn đường trắng trong năm nay, nhưng do thời tiết khô hạn tại một số khu vực trồng mía, sản lượng đường trắng vào thời điểm này được dự đoán chỉ đạt khoảng 2,4 triệu tấn. Như vậy, Indonesia cần nhập khẩu ít nhất 170.000 tấn đường trắng nếu sản lượng thực tế thấp hơn mức mục tiêu đề ra, thay vì dự đoán chỉ phải nhập 120.000 tấn như trước đây.

Tại Thái Lan, giới thương nhân dự đoán nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục ảm đạm. Các khách mua Trung Quốc vẫn chưa tham gia thị trường. Tháng trước, Trung Quốc thông báo sẽ nhập khẩu khoảng 300.000 tấn đường trong tháng 10 năm nay khi lượng dự trữ hết. Theo dự đoán của giới thương nhân, sản lượng mía của Thái Lan niên vụ mới vào khoảng 60 triệu tấn, tăng so với mức 47,7 triệu tấn niên vụ 2005/06.

(Nguon tin: Reuters)



Báo cáo phân tích thị trường