Nguồn: Theo etime.danviet.vn
Giá cao su cuối tuần biến động mạnh, giữ xu hướng tăng trên toàn thị trường
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 7/2022 ghi nhận mức 261,0 yen/kg, tăng 0,96%, tăng nhẹ 2,5 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 8, 9, 10 vẫn giữ được đà tăng gần 1%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2022 đứng ở mức 11.790 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,38%, tăng 45 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải cuối tuần này tăng ở tất cả các kỳ hạn tháng 8, 9, 10, 11 với mức tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á giảm trong mấy phiên đầu tháng 7/2022 do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng đã phục hồi trở lại kể từ ngày 6/7/2022 khi kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nước này, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng trở lại sau khi giảm xuống mức 253 yen/kg vào ngày 06/7/2022, nhưng so với cuối tháng 6/2022 giá vẫn giảm. Ngày 08/7/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 255,4 yen/kg (tương đương 1,88 USD/kg), giảm 2% so với cuối tháng 6/2022, nhưng tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giảm xuống mức 12.470 nhân dân tệ/tấn vào ngày 06/7/2022, sau đó tăng nhẹ trở lại. Ngày 08/7/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 12.520 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,87 USD/kg), giảm 1,5% so với cuối tháng 6/2022 và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan giá cao su RSS3 giảm xuống mức 64,36 Baht/kg vào ngày 06/7/2022, sau đó tăng nhẹ trở lại, nhưng so với cuối tháng 6/2022, giá vẫn giảm. Ngày 08/7/2022, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 64,5 Baht/kg (tương đương 1,79 USD/kg), giảm 1,4% so với cuối tháng 6/2022, nhưng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu được 2,18 triệu tấn cao su (mã HS: 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 123,24 tỷ Baht (tương đương 3,4 tỷ USD), tăng 4,3% về lượng và tăng 16,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Thái Lan trong trong 5 tháng đầu năm 2022. Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 49,2% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2022 với 1,07 triệu tấn, trị giá 58,86 tỷ Baht (tương đương 1,62 tỷ USD), tăng 0,8% về lượng và tăng 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. (Tỷ giá 1 Baht = 0,02764 USD).
Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu: Trong 5 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu được 1,43 triệu tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 78,97 tỷ Baht (tương đương 2,18 tỷ USD), tăng 3% về lượng và tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 30,5% tổng lượng cao su tự nhiên xuất khẩu của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2022 với 436,43 nghìn tấn, trị giá 23,22 tỷ Baht (tương đương 641,98 triệu USD), giảm 9,2% về lượng, nhưng tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản giảm; trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Hoa Kỳ lại tăng.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu 669,33 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 39,22 tỷ Baht (tương đương 1,08 tỷ USD), tăng 6,8% về lượng và tăng 24,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 89,3% tổng lượng cao su tổng hợp xuất khẩu của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2022, với 597,9 nghìn tấn, trị giá 34,68 tỷ Baht (tương đương 958,76 triệu USD), tăng 9,6% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ tăng; trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia và Việt Nam giảm.
Giá mủ cao su nguyên liệu trong nước không có nhiều biến động
Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu không có nhiều biến động. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 300-320 đồng/TSC, giảm 3 đồng/TSC so với cuối tháng 6/2022. Trong khi đó, tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ổn định ở mức 323-325 đồng/TSC. Tại Gia Lai, giá mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 295-305 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 6/2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu được 187,83 nghìn tấn cao su, trị giá 310,1 triệu USD, tăng 64,5% về lượng và tăng 59,1% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 15,2% về lượng và tăng 12,8% về trị giá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 787,26 nghìn tấn, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu: Tháng 6/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.651 USD/tấn, giảm 3,3% so với tháng 5/2022 và giảm 2,1% so với tháng 6/2021.
Tháng 6/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 71,2% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 133,67 nghìn tấn, trị giá 212,53 triệu USD, tăng 74,2% về lượng và tăng 70,6% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 15,5% về lượng và tăng 12,7% về trị giá. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.590 USD/tấn, giảm 2,1% so với tháng 5/2022 và giảm 2,4% so với tháng 6/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 536,32 nghìn tấn cao su, trị giá 899,28 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Nga, Brazil, Malaysia, Bangladesh tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 6/2021.
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan
Việt Nam hiện cũng là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc luôn tăng.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 5 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 214,07 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 456,78 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc với 17,73 nghìn tấn, trị giá 33,87 triệu USD, tăng 1,8% về lượng, nhưng giảm 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 8,3% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, cao hơn so với mức 7,5% của 5 tháng đầu năm 2021.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su của Thái Lan với 74,13 nghìn tấn, trị giá 136,22 triệu USD, tăng 53,3% về lượng và tăng 56% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su của Thái Lan chiếm 34,6% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, cao hơn so với mức 20,8% của 5 tháng đầu năm 2021.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 5 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 143,57 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 267,19 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và tăng 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Philippines là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc.
Trong 5 tháng đầu năm2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc với 17,72 nghìn tấn, trị giá 33,83 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 12,3%, tăng nhẹ so với mức 12,1% của 5 tháng đầu năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 61,16 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 176,3 triệu USD, giảm 22,8% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Singapore và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc 5 tháng đầu năm 2022.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Trung Quốc và Hoa Kỳ giảm, trong khi thị phần của Cộng hòa Séc, Singapore, Nhật Bản và Nga lại tăng. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc.
Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRG), diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000ha; trong đó, phần diện tích tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.
So với nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia sau khi phục hồi kinh tế, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn trong năm 2021, trong khi nhu cầu của toàn thế giới là hơn 14 triệu tấn.
Như vậy nguồn nguyên liệu cao su bị thiếu lên tới khoảng 200.000 tấn. Nguồn cung cao su toàn cầu đang tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu và sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) dự báo trước đó.
Để ngành cao su Việt Nam tiếp bước phát triển, trong 6 tháng đầu năm nay, nguồn nguyên liệu cao su, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cao su bền vững luôn được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su chú trọng.
Với những cảnh báo nguồn cũng cao su đang thiếu hụt, thì nguồn nguyên liệu chính là trọng tâm của sản xuất và xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm của ngành cao su Việt Nam.
Để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD như đã đề ra cho năm nay, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu.