Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc tăng nhập cà phê Etiopia, Malaysia, giảm nhập từ Việt Nam
18 | 08 | 2022
Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào Trung Quốc nên chú trọng phân khúc cà phê hòa tan bởi thị trường cà phê hòa tan tại Trung Quốc đang phát triển rất rõ rệt.

Nguồn haiquanonline.com.vn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): những ngày đầu tháng 8/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa biến động mạnh. Trong các ngày từ 1 – 5/8/2022, giá cà phê được duy trì ổn định quanh mức 44.000 – 44.500 đồng/kg và tăng lên mức 44.400 – 44.900 đồng/ kg vào ngày 6/8/2022. Tuy nhiên, ngay sau đó giá giảm mạnh 900 đồng/kg vào ngày 8/8/2022, xuống còn 43.500 – 44.000 đồng/kg.

Về xuất khẩu, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy: 7 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ở khía cạnh xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu tập trung phân tích khá sâu vấn đề xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm nay, trị giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 252,82 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường Etiopia, Malaysia, Italy nhưng giảm từ Việt Nam, Brazil.

Cụ thể, trị giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Etiopia trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 42,46 triệu USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Etiopia trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 10,22% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 16,79% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với mức giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt xấp xỉ 28,25 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 14,07% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 11,17% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Dù thị phần cà phê Việt Nam ở thị trường Trung Quốc giảm sút, song Cục Xuất nhập khẩu nhận định về dài hạn, cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc rất lớn.

Niên vụ cà phê 2021/22, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4,2 triệu bao cà phê (bao 60 kg). Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2 triệu bao.

Cà phê hòa tan tại thị trường Trung Quốc đang chiếm ưu thế nhờ tính năng sử dụng tiện lợi. Sự phát triển của Trung Quốc, lối sống thay đổi và sự chấp nhận của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các xu hướng văn hóa mới cũng đang góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan ở nước này.

“Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam nên chú trọng phân khúc cà phê hòa tan bởi thị trường cà phê hòa tan tại Trung Quốc đang phát triển rất rõ rệt”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

 

 



Báo cáo phân tích thị trường