Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 1/9 cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong quý 2 năm 2022 nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. GDP của Hàn Quốc trong quý 2 tăng 0,7% so với quý 1. Tốc độ tăng trưởng theo quý nhanh hơn được cho là nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh khi các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 được nới lỏng. Vào giữa tháng Tư, chính phủ Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế nhằm kiểm soát dịch, trừ quy định về đeo khẩu trang, và coi đây như một phần trong nỗ lực để đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước đại dịch.
Chi tiêu tiêu dùng trong quý 2 năm 2022 tăng 2,9% nhờ chi tiêu cho thực phẩm, nhà ở và các hoạt động ngoài trời khác tăng. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ Hàn Quốc cũng tăng 0,7%. Đầu tư vào xây dựng tăng 0,2% và đầu tư cơ sở vật chất tăng 0,4% nhờ tăng chi tiêu cho máy móc.
So với các ước tính trước đó của BoK, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng đã được điều chỉnh giảm 1 điểm phần trăm, trong khi chi tiêu của chính phủ và đầu tư xây dựng giảm 0,4 điểm phần trăm. Trong khi đó, đầu tư cơ sở vật chất đã được điều chỉnh tăng 1,5 điểm phần trăm.
Ngược lại, xuất khẩu của Hàn Quốc ghi nhận mức giảm 3,1%, với xuất khẩu các sản phẩm hóa chất và kim loại bị sụt giảm. Nhập khẩu giảm 1% với các mặt hàng là dầu thô và khí đốt tự nhiên.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc có kế hoạch mua 450.000 tấn gạo thu hoạch trong năm nay để dự trữ. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ mua 350.000 tấn gạo đóng gói, cùng với 100.000 tấn gạo chưa sấy vào cuối tháng 11, theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn.
Chính phủ sẽ mua gạo với giá thị trường trung bình ước tính từ ngày 5 tháng 10 đến ngày 25 tháng 12. Ban đầu chính phủ sẽ trả 30.000 won (22,2 đô la Mỹ) cho mỗi bao 40 kg và thu mua lượng còn lại vào cuối năm 2022. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết sẽ sử dụng 1 nghìn tỷ won cho việc mua gạo dự trữ của đất nước trong năm nay.
Hàn Quốc đã phải vật lộn để đối phó với tình trạng dư thừa gạo và giá cả giảm do tiêu thụ liên tục giảm trong những thập kỷ gần đây do những thay đổi trong chế độ ăn uống và thói quen ăn uống.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 1.497 tấn bạch tuộc đông lạnh, chiếm 0,21% tổng nhập khẩu thủy sản của nước này (724.699 tấn). So với cùng kỳ năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 1.019 tấn bạch tuộc đông lạnh, chiếm 0,17% trong tổng nhập khẩu thủy sản (583.312 tấn).
Riêng trong tháng 7 năm nay, nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh của Hàn Quốc đạt 259 tấn, tăng 156% so với 101 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 1.497 tấn, tăng 47% từ 1.019 tấn nhập khẩu trong cùng kỳ năm trước đó.
Khối lượng nhập khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm kể từ năm 2017 đến 2022 đạt 264 tấn, đạt cao nhất vào năm 2019 (2.754 tấn) và thấp nhất vào năm 2021 (1.019 tấn).
Các nguồn cung bạch tuộc đông lạnh chính gồm 12 nước: 1.042 tấn, chiếm 70% tổng nhập khẩu đến từ Mauritania, 112 tấn từ Philippines, 110 tấn từ Senegal và 84 tấn từ Indonesia. Giá đạt cao nhất là từ Philippines với 6,88 USD/kg, Senegal 8,06 USD/kg, và thấp nhất là từ Nam Phi với 5 USD/kg.
Giá trị nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh của Hàn Quốc trong tháng 7/2022 đạt 1,94 triệu USD, tăng 73% từ 1,12 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu đạt 14,7 triệu USD, tăng 74% từ 8,45 triệu USD của cùng kỳ năm trước đó.
Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 7 năm nay đạt 7,5 USD/kg, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 07/2022, Việt Nam xuất khẩu 213,7 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 42,9%, thứ hai là gỗ và sản phẩm gỗ với 33,4%, rau quả chiếm 7,6%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, gỗ, hạt tiêu và mây tre đan là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, còn lại các mặt hàng khác có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.