Nguồn: nongnghiep.vn
Cơ hội lớn
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội viên nén thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), hiện Việt Nam có khoảng trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Thị phần được chia đều cho 2 thị trường, những doanh nghiệp nằm trong khu vực miền Trung hầu hết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, còn những doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ ở miền Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Đó là nói chuyện trước đây, còn bây giờ, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra làm mất nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia khu vực châu Âu, viên nén gỗ của Việt Nam lại có thêm thị trường các nước châu Âu với nhu cầu rất lớn.
Cũng vì đó, giá cả của viên nén liên tục “nhảy múa”, đến cuối quý IV/2022, viên nén gỗ xuất khẩu lập đỉnh giá, tăng đến 190 USD/tấn. Cứ ngỡ, giá viên nén gỗ tăng đột biến như thế thì các nhà máy chế biến viên nén của Việt Nam sẽ trúng to. Thế nhưng thực tế không phải vậy, chỉ có những nhà máy chế biến viên nén mới hoạt động mới được hưởng lợi từ việc viên nén tăng giá đột biến, còn những nhà máy hình thành trước đây đã ký hợp đồng dài hạn với các đối tác Nhật Bản thì phải đối mặt với khó khăn vô vàn, nhất là những nhà máy đang hoạt động tại khu vực miền Trung.
Lý giải về nghịch lý nói trên, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: “Đối với các đối tác Nhật Bản, khi đã ký kết hợp đồng dài hạn rồi thì bây giờ khó mà đàm phán để thay đổi giá. Trong khi từ lúc các mặt hàng viên nén và dăm gỗ xuất khẩu mạnh, giá gỗ rừng trồng trong nước cũng tăng cao chóng mặt. Đơn cử như ở Bình Định, vào năm 2021 giá gỗ rừng trồng chỉ có 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn thì đến năm 2022 đã tăng đến 1,8 - 1,9 triệu đồng/tấn. Muốn duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chế biến viên nén phải cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy chế biến dăm gỗ, một sự cạnh tranh đầy thất thế. Bởi, giá xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc cũng tăng theo giá mua nguyên liệu, còn giá viên nén xuất khẩu sang Nhật Bản cứ “dậm chân tại chỗ” theo hợp đồng đã ký. Trước thực trạng trên, những doanh nghiệp chế biến viên nén gỗ không dám đẩy mạnh sản xuất, dẫn tới sản lượng không tăng dù giá bán rất tốt”.
Theo ông Masayoshi Pelle Ito, Phó Giám đốc Ban năng lượng và hóa chất Công ty TNHH Itochu Việt Nam (Nhật Bản) phụ trách về viên nén gỗ, trong những năm qua, xuất khẩu viên nén từ Việt Nam đi Nhật Bản tăng đều từng năm. Riêng năm 2022 tăng nhanh hơn nữa do các nhà máy nhiệt điện ở Nhật Bản tăng tốc mua viên nén gỗ để làm nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, Nhật Bản đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2025. Do đó, nhu cầu về viên nén của thị trường Nhật Bản trong giai đoạn này sẽ còn tăng rất cao. Dù chưa hoạt động, nhưng các đối tác Nhật Bản đã và đang ký hợp đồng mua viên nén gỗ của Việt Nam.
“Năm 2021, Nhật Bản nhập khẩu viên nén từ Việt Nam với sản lượng 1,6 triệu tấn. Bước sang năm 2022, con số trên đã tăng đến 2,5 triệu tấn. Giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến sản lượng viên nén gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản còn tăng hơn nữa. Dự báo từ năm 2025 trở đi, mỗi năm Nhật Bản sẽ nhập khẩu viên nén gỗ của Việt Nam khoảng 4 - 5 triệu tấn. Thêm vào đó, thế giới hiện nay có xu hướng dùng viên nén gỗ để thay thế nhiên liệu than trong sản xuất nhiệt điện để giảm phát thải khí các bon, nên nhu cầu sử dụng viên nén trong tương lai sẽ là vô cùng”, ông Masayoshi Pelle Ito nhận định.
Thách thức về nguyên liệu
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên liệu chủ yếu trong sản xuất viên nén gỗ là phụ phẩm của ngành gỗ như cành, ngọn, nhánh, cây gỗ nhỏ, bìa bắp của gỗ rừng trồng và đầu mẩu, gỗ thừa, vỏ bào, mùn cưa từ các cơ sở chế biến gỗ tinh chế. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 20 triệu m3 củi, phụ phẩm rừng trồng và vỏ bào, mùn cưa, nhưng không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến viên nén gỗ. Do đó, các nhà máy chế biến viên nén phải đang sử dụng cả gỗ rừng trồng để làm nguyên liệu chế biến.
Dù Việt Nam đang có hơn 4 triệu ha rừng trồng nhưng không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu nguyên liệu để sản xuất cả 3 mặt hàng đồ gỗ tinh chế, chế biến viên nén và dăm gỗ. Chỉ riêng cạnh tranh nguyên liệu với dăm gỗ thôi thì viên nén đã “mướt mồ hôi”. Theo phân tích của ông Phong, giá gỗ nguyên liệu rừng trồng tăng cao thì giá xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ cũng tăng cao tương ứng, nên các nhà máy chế biến dăm gỗ vẫn đảm bảo lợi nhuận. Trong khi các nhà máy chế biến viên nén gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản đang kẹt với các hợp đồng dài hạn theo giá cũ, nên bị thất thế trong cạnh tranh về nguyên liệu đầu vào.
Cũng theo ông Phong, để phụ phẩm rừng trồng có thể giải quyết đủ nguyên liệu cho ngành chế biến viên nén, Việt Nam cần phải thúc đẩy phát triển rừng gỗ lớn, cây gỗ rừng trồng càng lớn thì sinh khối của phụ phẩm cũng lớn theo. Phần thân của cây rừng gỗ lớn cung cấp cho ngành chế biến gỗ tinh chế; phần cành, ngọn cung cấp cho ngành chế biến viên nén, tiện đôi bề.
Riêng tại Bình Định, theo đánh giá của ông Phong thì đây là vùng đất thuận lợi cho việc phát triển ngành chế biến viên nén gỗ. Ngoài diện tích rừng trồng trên địa bàn, các nhà máy chế biến viên nén tại Bình Định còn có thể thu mua gỗ rừng trồng từ các tỉnh lân cận vùng Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk… Dù biết rằng thu mua nguyên liệu từ các tỉnh nói trên các nhà máy chế biến viên nén ở Bình Định sẽ phải đối mặt với việc tăng chi phí đầu vào, thế nhưng xây dựng mối liên kết hình thành vùng nguyên liệu là việc cần phải làm để ngành chế biến viên nén hoạt động ổn định.
Còn theo ông Masayoshi Pelle Ito, các nhà máy chế viên nén trong khu vực miền Trung hầu hết đều xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua Cảng Quy Nhơn (Bình Định). Khi Cảng Quy Nhơn được nâng cấp, mở rộng bến số 1 ra phía khu nước trước bến thêm 35m, tổng chiều dài bến số 1 sau khi nâng cấp sẽ tăng lên 490m tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa thêm thuận lợi. Dự kiến giữa năm 2023 công trình này sẽ hoàn thành, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp 50.000DWT và tàu container 30.000DWT đầy tải.
“Hiện nay, viên nén sản xuất tại khu vực miền Trung xuất khẩu sang Nhật chiếm 80% số lượng viên nén của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Viên nén gỗ sản xuất ở khu vực miền Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc. Khu vực miền Trung có nhiều cảng biển, có nhiều vùng nguyên liệu tập trung nên thuận lợi cho việc chế biến và xuất khẩu viên nén”, vị đại diện Công ty TNHH Itochu Việt Nam, chia sẻ.
Về lâu về dài, ngành chế biến viên nén gỗ của Việt Nam đang tính tới sử dụng nguyên liệu đầu vào khác với gỗ rừng trồng để chủ động hơn về nguyên liệu. “Chúng tôi đang tính tới việc sử dụng cây cỏ voi để làm nguyên liệu đầu vào trong chế biến dăm gỗ. Trồng cỏ voi chỉ 4 tháng là thu hoạch, năng suất có thể đạt 300 tấn/ha. Mỗi năm làm 3 vụ, vị chi thu hoạch được 900 tấn cỏ voi/ha/năm. Nếu sử dụng cỏ voi làm nguyên liệu chế biến viên nén hiệu quả thì ngành chế biến viên nén không còn lo về nguyên liệu, đồng thời nông dân sẽ có thu nhập lớn khi trồng cỏ voi”, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.