Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến gỗ thời WTO
29 | 02 | 2008
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu đồ gỗ hiện xếp thứ 5 trong số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo và đạt mức tăng trưởng trung bình 50%/năm. Tuy nhiên, so với các nước, thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn còn thấp, đòi hỏi ngành này phải vượt nhiều trở ngại khi thâm nhập sâu vào thị trường thế giới.

Hội thảo quốc gia “Cơ hội và thách thức ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sau khi gia nhập WTO” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức mới đây đã đưa ra một loạt số liệu rất đáng lưu ý.

Những con số ấn tượng

Theo Vifores, từ năm 2002 đến nay, xuất khẩu gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia, có kim ngạch xuất khẩu cao, tập trung chủ yếu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản...

Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ tăng từ 115,46 triệu USD năm 2003 lên 900 triệu USD trong 2007; EU: từ 160 triệu USD năm 2003 lên 500 triệu USD năm 2006; Nhật Bản: từ 137,9 triệu USD năm 2003 lên 286,8 triệu USD năm 2006.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Vifores, công nghiệp chế biến đồ gỗ Việt Nam đang ở độ tuổi sung sức, thị trường nhiều tiềm năng nên số lượng doanh nghiệp ngày càng gia tăng, bao gồm nhiều loại hình.

Cụ thể, có 1.500-1.800 cơ sở mộc nhỏ với năng lực chế biến từ 15 - 200 m3 gỗ/năm/cơ sở và 1.200 doanh nghiệp, năng lực chế biến 2 triệu m3 gỗ/năm/doanh nghiệp, trong đó có 41% là doanh nghiệp nhà nước và 59% doanh nghiệp tư nhân. Trong số các nhà sản xuất nói trên, có tới 450 đơn vị tham gia xuất khẩu và đặt mục tiêu đạt doanh số 3 tỷ USD vào 2010.

Việt Nam hiện có tới 148 nhà xuất khẩu được xác nhận “chuỗi hành trình sản phẩm” (COC), tập trung chủ yếu ở vùng ven biển Nam Trung Bộ (chiếm 61%); Đông Nam Bộ (28%) và Tây Nguyên (9%).

Không bỏ lỡ cơ hội đầu tư, công nghiệp đồ gỗ Việt Nam còn có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài với mức độ gia tăng đáng kể. Tính đến cuối năm 2006, có khoảng 420 nhà sản xuất nước ngoài đầu tư hoạt động tại Việt Nam với khoảng 330 triệu USD được thực hiện. Các nhà đầu tư đến chủ yếu từ châu Á, đặc biệt là từ Đài Loan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và một số nước khác như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Pháp.

Tại cuộc hội thảo này, các chuyên gia đã đề cập tới hàng loạt cơ hội phát triển cho ngành gỗ Việt Nam. Thứ nhất, về thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Việt Nam còn có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước Australia, Hàn Quốc, Canada... trong khi kim ngạch xuất khẩu gỗ trên toàn thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình 9-10%/năm.

Thứ hai, đối với thị trường nhập khẩu nguyên liệu. Do năng lực đáp ứng nguyên liệu trong nước chỉ 30% nên Việt Nam cũng phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ, tập trung vào các nước có sử dụng chứng chỉ FSC hoặc PEFC. Mặt khác, số lượng cung cấp và giá FOB nguyên liệu gỗ hiện tương đối ổn định.

Thứ ba, theo ông Lê Khắc Côi, Điều phối viên Mạng lưới kinh doanh lâm sản Việt Nam (VFTN) (thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên - WWF), chi phí sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam tương đối thấp, trong khi đó, thị trường Mỹ vốn được coi là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới lại đang đánh thuế chống phá giá rất cao đối với mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ nước ta tăng cường xuất khẩu vào Mỹ.

“Sóng cả không ngã tay chèo”

Bên cạnh những triển vọng lớn thì thách thức đối với việc xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam không phải là nhỏ.

Thứ nhất, ông Quyền cho rằng năng lực cạnh tranh của ngành gỗ còn yếu. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất gỗ chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hội nhập kinh tế, chưa đưa ra được các chiến lược, chính sách thích ứng để thâm nhập vào thị trường thế giới. Mức độ phổ cập thông tin liên quan đến WTO tới các doanh nghiệp và cán bộ còn thiếu và không đồng bộ.

Nội dung được phổ biến còn mang tính khái quát, chưa gắn với doanh nghiệp và những mục tiêu chính sách hội nhập của doanh nghiệp. Đội ngũ lãnh đạo còn nhiều người chưa hiểu sâu về ảnh hưởng của việc gia nhập WTO, những cơ hội và thách thức mà WTO mang lại, nên việc định hướng chiến lược cho các doanh nghiệp còn lúng túng, chưa chủ động có các biện pháp đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội của việc gia nhập WTO.

Thứ hai, từ khi Mỹ đánh thuế chống bán phá giá cao, một số doanh nghiệp sản xuất chế biến đồ gỗ Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh sang sản xuất tại Việt Nam để tránh hàng rào thuế nhập khẩu cao của Mỹ. Điều này vô tình đã đẩy các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam thêm những đối thủ ngay tại sân nhà, nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là các doanh nghiệp Trung Quốc đã biết tận dụng nhân công Việt Nam, biết khai thác bàn tay tài hoa của người thợ. Đặc biệt, họ có những công nghệ sản xuất hiện đại hơn các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều.

Thứ ba, mặc dù Việt Nam có đội ngũ thợ lành nghề, cần cù sáng tạo và tài hoa nhưng do giá nhân công rẻ, chưa thỏa đáng, nên chưa phát huy được tối đa tiềm năng con người trong quá trình sản xuất.

Thứ tư, một vấn đề đặc biệt quan trọng là tạo nguồn nguyên liệu đầu vào. Theo Vifores, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu gỗ và mặc dù giá gỗ FOB và sản lượng cung cấp trên thế giới tương đối ổn định nhưng giá CIF lại thay đổi tương đối lớn do giá năng lượng, chi phí vận tải tăng, cộng với một tình hình chính trị bất ổn tại các nước xuất khẩu nguyên liệu.

Vì vậy, ngoài việc nhập khẩu nguyên liệu, có lẽ ngành gỗ cần quan tâm hơn tới việc tạo ra những khu vực rừng trồng, góp phần giảm áp lực phải đi nhập khẩu, điều này thực sự có ý nghĩa khi mà năm 2006, cả nước phải bỏ ra 720 triệu USD chi phí nhập khẩu gỗ.

Xuất phát từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng ngành gỗ, một mặt, cần nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, mặt khác phải quy hoạch vùng nguyên liệu, chủ động tạo nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu áp lực nhập khẩu. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng thiếu nhân lực lành nghề và các trang thiết bị đào tạo, quản lý sản xuất chính quy.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường