Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những hạn chế về xuất khẩu trong năm 2006 của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam
19 | 06 | 2007
Những năm gần đây, ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã tăng gần 10 lần, từ 219 triệu USD năm 2000 lên 1,57 tỷ USD năm 2005 và dự kiến đạt 2 tỷ USD trong năm 2006. Sản phẩm gỗ đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đứng thứ 5 trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.

Hiện nay, Việt Nam có tới 2.000 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng gỗ và lâm sản. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 120 nước và vùng lãnh thổ.

Theo Vifores (Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam) cho rằng, mặc dù có bước phát triển khá nhanh, song đồ gỗ Việt Nam lại rất... "chông chênh" trong xuất khẩu. Đây là thách thức lớn đối với ngành gỗ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Không chỉ có áp lực cạnh tranh xuất khẩu, ngành gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với cạnh tranh trong nước khi thị trường chính thức mở cửa.

Theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sắp tới, đồ gỗ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ áp dụng thuế với 2 mặt hàng là ván nhân tạo và mộc tinh chế. Do đó, tiêu thụ sản phẩm gỗ có nhiều khả năng giảm, không chỉ trong xuất khẩu, mà ngay tại thị trường nội địa.

Một điểm yếu của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Thống kê của Vifores cho biết, hàng năm, ngành gỗ phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu.

Đáng lưu ý là, nguyên liệu gỗ chiếm tới 60% giá thành sản phẩm, có nghĩa là trong 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả năm 2006, thì chi phí cho nguyên liệu nhập khẩu đã chiếm trên 1 tỷ USD.

Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ. Tuy nhiên, có một thực tế là, các đơn đặt hàng lớn thường vượt quá năng lực của từng doanh nghiệp riêng rẽ, nên nếu tiếp tục phương thức làm ăn nhỏ lẻ thì chắc chắn, nhiều cơ hội lớn sẽ "tuột" khỏi tầm tay. Nếu các doanh nghiệp có sự kết nối tốt, có những giải pháp giảm chi phí tối ưu thì kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2006 có khả năng đạt tới 2,2 tỷ USD.

Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Thị trường WTO rộng mở, song các hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình quản lý chất lượng. Hiện nay, trong số 2.000 doanh nghiệp gỗ toàn quốc, mới chỉ có trên 10% doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm.

Trong thời gian tới, có ba vấn đề lớn sẽ được tập trung giải quyết:

+ Tăng tính hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

+ Xây dựng chiến lược phát triển thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

+ Nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam.  



Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường