Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo “Cơ hội và thách thức ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sau khi gia nhập WTO”, diễn ra ngày 26/2 ở Hà Nội, việc gia nhập WTO đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, song cũng đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều thách thức lớn như chưa có khả năng tiếp nhận những đơn hàng lớn, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, công nghệ chế biến còn thô sơ và mang nặng tính thủ công, giá thành sản phẩm cao do 80% nguyên liệu chế biến phải nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp chế biến gỗ ở các vùng có khả năng cung cấp đủ và ổn định nguyên liệu, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình trồng rừng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực đổi mới công nghệ chế biến, mẫu mã sản phẩm, phát triển các trung tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.
Việt Nam hiện là một trong hai nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Đông Nam Á. Các sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ năm 2000 đến nay, giá trị xuất khẩu của ngành chế biến gỗ đã tăng khoảng 10 lần, từ 219 triệu USD lên 2,34 tỷ USD năm 2007. Với đà tăng trưởng như hiện nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2008 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD.